Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cho biết Mazda CX-5 và CX-50 phục vụ những nhóm khách hàng khác nhau nên không đáng lo ngại. Nhưng các chuyên gia phân tích thì không đồng tình.
Mazda CX-5 là một trong những mẫu xe hot nhất của nhà sản xuất ôtô Nhật Bản. Theo báo cáo tài chính của Mazda năm 2021, CX-5 là mẫu xe Mazda bán chạy nhất trên toàn cầu (381.800 chiếc), theo sau là Mazda3 và Mazda CX-30. Chỉ có giá từ 26.250 USD (ở Việt Nam là 839 triệu đồng), Madza-CX-5 được đánh giá là chiếc xe "đáng từng đồng" với ngoại hình đẹp, nhiều tiện ích và khả năng off-road khá.
Tuy nhiên, việc CX-50 xuất hiện đã khiến nhiều người quan ngại Mazda CX-5 sẽ sớm bị mất thị phần, khi hai mẫu SUV có giá không quá chênh lệch (giá khởi điểm 26.250 USD với Mazda CX-5 và 26.800 USD với Mazda CX-50).
Hãng xe Nhật Bản khẳng định rằng hai mẫu xe thu hút những đối tượng khác nhau nên không có chuyện "xe nào ăn mất phần của xe nào".
Song, trả lời phỏng vấn Automotive News, chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường ôtô AutoPacific cho rằng CX-5 sẽ không còn xuất hiện lâu nữa. "Mazda đang cố gắng bán hai mẫu xe trong cùng phân khúc cho những người mua khác nhau… Điều này khá giống với tình cảnh khi họ giới thiệu Mazda CX-30. Chiếc CX-3 chỉ tồn tại khoảng vài năm sau đó và biến mất hoàn toàn", Ed Kim nói.
Chẳng bao lâu nữa, Mazda CX-50 sẽ thay thế Mazda CX-5 như CX-30 đã làm với CX-3? - Ảnh: Mazda
Mazda vừa làm mới CX-5, vì vậy mẫu xe sẽ không biến mất nhanh chóng như CX-3. Nhưng ban đầu, Mazda CX-30 vốn được định vị để phục vụ những khách hàng thích CX-3 nhưng cũng mong muốn có một chiếc xe lớn hơn, tinh tế hơn. Sau đó, người ta đổ xô mua CX-30 thay vì CX-3 (và giờ CX-30 là 1 trong 3 mẫu bán chạy nhất của hãng).
Nhà báo chuyên phân tích đánh giá thị trường ôtô của Edmunds Ivan Drury đồng tình với Kim. Thậm chí, ông còn đưa ra dự báo cụ thể hơn khi cho rằng CX-5 chỉ tồn tại trong khoảng 3 năm nữa, "sau khi doanh số CX-50 tăng lên".
Nhà sản xuất ôtô Nhật cho biết doanh số Mazda CX-5 sẽ thành công hơn nữa nếu thương hiệu có dây chuyền sản xuất mạnh mẽ hơn, nên họ cho rằng CX-50 thay vì "ăn mất phần" sẽ giúp giảm áp lực cho "người anh em" trong việc "quét" đủ người mua. Tuy nhiên, Drury cho rằng: "Chẳng có lý gì mua CX-5 thay vì CX-50, trừ khi giảm giá mạnh tay".
Nhà sản xuất không định thay thế CX-5, nhưng thị trường mới là yếu tố quyết định - Ảnh: TheStraightPipes
Ngoài ra, Mazda CX-5 còn chịu áp lực trở thành "kẻ lạc lõng" trong gia đình khi hãng xe Nhật Bản đang đẩy mạnh đội xe cao cấp. Sau CX-30, CX-50, sắp tới sẽ là cuộc đổ bộ của CX-70 và CX-90. Điều đó khiến Carbuzz đặt câu hỏi: Đứng trước tham vọng tái tạo danh hiệu "thương hiệu ôtô hạng sang" của công ty, liệu CX-5 có còn chỗ đứng trong gia đình?
Dù tài năng đến đâu, Mazda CX-5 sẽ có ngày bị đẩy đi cũng là điều hợp lý. Chắc chắn, nhiều người sẽ rất tiếc nuối, một số người mua có thể đặt câu hỏi liệu có nên mua CX-5 nữa không khi ngày khai tử không còn xa. Tuy nhiên, "tre già măng mọc", "sóng sau xô sóng trước" là điều khó tránh khỏi.