Chính sách miễn, giảm thuế lên đến 138.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua, trong đó đợt bổ sung miễn, giảm mới dự kiến hơn 20.000 tỷ vẫn đang được người dân chờ đợi.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, mới đây, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua gồm 4 chính sách, trong đó, có 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.
Thứ hai, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
Thứ ba, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...
Thứ tư, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 - 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh) đối với doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Mặc dù, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo ước tính, các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung, thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138.000 tỷ đồng.
“Hiện Bộ Tài chính đang song song xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết, để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện sau khi Nghị quyết được thông qua. Việc xây dựng dự thảo Nghị định phải đảm bảo hạn chế tối đa thủ tục hành chính, trường hợp nếu có phát sinh thì phải phù hợp với pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế”, Đại diện Vụ Chính sách Thuế nhấn mạnh.
Kỳ vọng hiệu lực đòn bẩy
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Vương, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hà Minh Anh cho biết, sau 2 năm vừa chống dịch, vừa gồng mình duy trì hoạt động công ty, đến nay, rất nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức. Chính vì vậy, rất mong Chính phủ sớm triển khai các chính sách miễn, giảm thuế, phí, với thủ tục rút gọn, nhằm phát huy được tính khả thi, hiệu quả của Nghị quyết.
“Đặc biệt, việc giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, như vậy, người dân sẽ được mua hàng hóa dịch vụ với mức giá tốt hơn, chống lại các cơn bão giá do khan hiếm hàng hoá, vận chuyển khó khăn gây ra. Đồng thời tạo động lực kích cầu tiêu dùng, từ đó giúp khơi thông chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất vốn đang bị ách tắc, hỗ trợ cho khâu sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp”, ông Vương bày tỏ.
Đại diện một doanh nghiệp khác trên địa bàn TP. Hà Nội cũng chia sẻ rằng, hàng hoá không lưu thông, không phát sinh đơn hàng mới khiến thu nhập của doanh nghiệp ngày càng đi vào ngõ cụt. Bên cạnh việc cắt giảm lao động, việc đóng thuế TNDN, cũng như nhiều loại thuế, phí khác như tiền thuế đất, lãi vay ngân hàng,... đang là gánh nặng với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực có hạn.
“Chúng tôi rất đề cao sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách giảm thuế, phí, nhưng những việc này cần phải được làm ngay, đẩy mạnh nhanh hơn nữa để các doanh nghiệp thực sự được hưởng, kịp thời cơ cấu tổ chức, mạnh dạn nới rộng hoạt động kinh doanh trước khi phải rút khỏi thị trường”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Như vậy, với các chính sách của Chính phủ ban hành, mặc dù thu ngân sách Nhà nước có thể giảm đi, nhưng sức mua của xã hội, của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tăng lên. Điều đó giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội cung cấp hàng hóa ra thị trường hơn và đây là một biện pháp kịp thời, để khắc phục khủng hoảng của dịch bệnh trong thời điểm hiện nay.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Tài chính, gói giãn, hoãn, giảm thuế được các doanh nghiệp đánh giá rất cao vì tính thiết thực và tính đơn giản, cũng như dễ thực hiện. "Đây sẽ là một trong những đòn bẩy vực dậy các hoạt động đang bị chùng xuống của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, cũng như tiếp tục phát huy vai trò, tác dụng trong 6 tháng cuối năm 2021. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, mọi kế hoạch đều phải được thực thi nhanh, sớm, đơn giản và bao phủ rộng, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp mòn mỏi chờ, hoặc thủ tục phức tạp gây tâm lý chán nản.
Có thể bạn quan tâm
10:22, 12/08/2021
19:47, 11/08/2021
00:30, 03/04/2020
16:06, 12/03/2020