Gần 20 năm trước, nhà đầu tư muốn vào miền Trung cũng chỉ trông chờ vào con đường thiên lý Bắc – Nam với duy nhất QL1A đi qua cùng muôn vàn khó khăn về hạ tầng giao thông.
>>Liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Vẫn thiếu một “nhạc trưởng”
Vậy nhưng, vào những năm gần đây và cả tương lai gần, với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như cao tốc phía Đông, đường ven biển trải dài từ Bắc vào Nam, miền Trung đang được kỳ vọng bứt tốc mạnh mẽ về diện mạo phát triển kinh tế - xã hội ở tầm cao mới.
Miền Trung trải dài từ Thanh Hoá đến vùng Nam Trung Bộ từ thời xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được ví như “đòn gánh” 2 đầu Bắc – Nam với nhiều núi non hiểm trở, dốc đèo quanh co bị chia cắt. Gần 10 năm trở lại đây, khu vực này đã được khai phá thông qua những công trình giao thông đường bộ theo tinh thần “gặp núi khoét núi, gặp sông bắc cầu” đã góp phần tôn tạo lực thêm “đòn gánh” của 2 đầu đất nước.
Cụ thể như công trình hạ tầng giao thông hầm đường bộ Đèo Hải Vân, Đèo Cả, Đèo Ngang, hầm đường bộ đèo Cù Mông... đã trở thành dấu ấn bằng việc kết nối, đồng bộ với các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến ven biển, cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km đi qua đang được đầu tư xây dựng tiếp tục mở ra cho miền Trung nhiều cơ hội liên kết, giao thương và gắn kết kinh tế được thuận lợi hơn rất nhiều so với 20 năm trở về trước.
Rồi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) cùng các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng chuẩn bị đưa vào sử dụng được kỳ vọng tạo nên một miền Trung sôi động về kinh tế giao thương giữa các vùng miền.
Cùng với đó, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh); khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) được lựa chọn là 2 trong số 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phê duyệt đã góp phần tạo đà thêm cho miền Trung mở rộng kết nối với Lào, Cam Pu Chia và Đông Bắc Thái Lan.
Với hệ thống 12 sân bay ở khu vực miền Trung từ Thanh Hoá cho đến Phú Yên cùng loạt cảng biển nước sâu đang hoà nhịp với hệ thống giao thông đường bộ, tạo liên kết chuỗi logistics… sẽ hứa hẹn cho cho miền Trung trở thành nơi phát triển kinh tế sôi động của cả nước.
Về nguồn vốn cho hạ tầng giao thông trọng điểm, giai đoạn 2005- 2020, ngân sách Trung ương, địa phương và huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông miền Trung lên đến khoảng 246.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 05/2/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193 km lên 1.390 km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn…
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho miền Trung, thời gian tới khu vực này cần có 05 nhóm nhiệm vụ phải triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời.
Đó là, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố, đặc biệt là các công trình đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không để phát huy tính chủ động của các địa phương;
Đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng; Sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông…
Với những chính sách đồng bộ thông qua việc kiến thiết hạ tầng các công trình giao thông trọng điểm và tư suy đột phá được cụ thể hoá bằng cơ chế chính sách, miền Trung được kỳ vọng sẽ tạo ra các chuỗi liên kết phát triển nhanh, bền vững trong tương lai không xa.
Có thể bạn quan tâm