Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách

GIA NGUYỄN 08/11/2021 04:02

Mặc dù rất khó “chỉ mặt, gọi tên”, thế nhưng, theo các chuyên gia minh bạch trong toàn bộ quá trình làm luật được cho là giải pháp bịt kẽ hở tham nhũng chính sách…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV vừa qua, Thường trực Ban Bí thư – Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh, yêu cầu chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, là không để xảy ra lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”… Pháp luật phải đặt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia làm trọng tâm.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV - Ảnh: TP

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 03/11 vừa qua - Ảnh: TP

Yêu cầu này của Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Quốc hội được cho là phù hợp với thực tiễn hiện nay, khi vẫn còn tồn tại tình trạng văn bản luật có tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, đặc biệt vẫn tiềm ẩn tình trạng tham nhũng chính sách. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, minh bạch toàn bộ quá trình làm luật, thì những ý tưởng “cài cắm” lợi ích đến từ đâu sẽ được làm rõ và cơ hội để “cài cắm” sẽ càng ít đi.

Thực tế, tham nhũng chính sách không phải khái niệm mới, tuy nhiên, khác với tham nhũng hành chính, tham nhũng chính sách khó “chỉ mặt, gọi tên”. Một chính sách pháp luật mang lại lợi ích cho cá nhân là chính thì nó vẫn có thể được “ngụy trang” bằng những mục đích rất cao đẹp…

Phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”; không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp - Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), tham nhũng chính sách, một loại “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật, là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quá trình xây dựng pháp luật để mang lại lợi ích không chính đáng cho cơ quan, tổ chức, địa phương, ngành nghề hoặc công tác quản lý Nhà nước.

TS. Đinh Văn Minh cho rằng, tham nhũng chính sách xuất hiện ngay từ khâu đầu tiên là hoạch định chính sách. Những nhóm có thế mạnh thường tiếp cận nhanh đến cơ quan chức năng, những nhóm này có thể vận động “hành lang”, thậm chí “bôi trơn”… để được lựa chọn chính sách hoặc dự luật nào đó được đưa vào chương trình xây dựng.

Trong giai đoạn xây dựng và ban hành chính sách, tham nhũng có thể xảy ra với những hình thức rất tinh vi, nhóm lợi ích có thể “chèn” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan đến lợi ích của họ. Mỗi câu chữ thêm bớt trong văn bản có thể sẽ là những thủ tục, những “giấy phép con” trong quá trình thực thi chính sách. Nhóm lợi ích có thể trực tiếp (nếu là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm soạn thảo) hoặc gián tiếp (hối lộ những người có trách nhiệm soạn thảo) có thể đưa những nội dung hay phương án có lợi cho ngành mình, nhóm mình, “gài” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan lợi ích của họ. Cũng có thể thêm các thủ tục, các loại “giấy phép con” không cần thiết để tạo ra quyền lực sau này có thể lợi dụng gây khó khăn sách nhiễu, đòi hối lộ.

“Tham nhũng ở giai đoạn này rất “khéo” và tinh vi, họ viện lý do sự “chặt chẽ”, việc bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, nhân danh “an ninh quốc gia”, nhân danh “lợi ích nhân dân”… để biện minh cho những quy định che đậy lợi ích của nhóm mình muốn bảo vệ. Kết quả là chủ trương, chính sách một đằng, khi thực hiện lại một nẻo, xung đột pháp lý, xung đột chính sách là hiện tượng nhức nhối đến nay vẫn chưa giải quyết được”, TS Minh nêu quan điểm.

Thường trực Ban bí thư Võ văn Thưởng (trái) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị ngày 03/11 vừa qua - Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Bí thư  - Võ văn Thưởng (trái) và Chủ tịch Quốc hội  - Vương Đình Huệ tại hội nghị ngày 03/11 vừa qua - Ảnh: TTXVN

Thông tin với báo chí, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng chia sẻ, thực tế trong thời gian qua có chuyện cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích ngành khi làm luật. Ví dụ, nhiều bộ, ngành khi làm luật cũng đều đưa ra những quỹ này, quỹ kia, nếu ngành nào cũng đưa quỹ vào, có khi sẽ hình thành hàng trăm, hàng nghìn loại quỹ khác nhau. Lúc đó “cái bánh ngân sách” sẽ bị xé nát ra, chính vì vậy, cần kiên quyết ngăn chặn việc này, không để khi hình thành luật của ngành nào thì cũng lấp lánh lợi ích của ngành đó.

“Bộ, ngành nào cũng đề nghị cần có quỹ cả, đó chính là lợi ích chứ đâu? Phải ngăn chặn ngay từ khi làm luật, đi kèm với đó, cần xây dựng một chương trình toàn khóa sớm hơn, để có tầm nhìn xa hơn, có tính chủ động hơn, và có thể cân đối được giữa các luật trên từng lĩnh vực để chủ động điều chỉnh”, ông Tiến thông tin.

Theo ông Tiến, tại Quốc hội ở các nước, chủ yếu là Ủy ban, hay Nghị sĩ trình sáng kiến pháp luật, còn ở nước ta chủ yếu lại do Chính phủ trình. Khi các bộ, ngành chủ trì soạn thảo rồi trình dự án Luật, dù muốn hay không, họ cũng đưa lợi ích của ngành mình vào đó, chưa nói tới tiêu cực, hay tham nhũng chính sách, ít nhất họ cũng “gài” nội dung có lợi vào trong dự án Luật, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý, nhưng có khi lại không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ những vẫn đề đã nêu, các chuyên gia đều cho rằng, cần tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan tham gia xây dựng pháp luật, tạo ra các cuộc thảo luận, phản biện chính sách của rộng rãi công chúng, bao gồm các nhà kinh tế, các luật gia, nhà quản lý và đặc biệt là những người chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo luật. Những ý kiến đó cần phải được tiếp thu, giải trình minh bạch chứ không chỉ để tham khảo hoặc cho “đẹp hồ sơ” theo thủ tục, quy trình. Cần thiết phải có những cuộc hội thảo, hội nghị hay những phiên giải trình để thảo luận một cách nghiêm túc và thấu đáo những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Và tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cũng đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhiều hơn các hội thảo, hội nghị góp ý, phản biện dự thảo luật. Qua đó khắc phục tình trạng dự án luật được công bố, đăng tải công khai nhưng doanh nghiệp, người dân không góp ý. Đến khi ban hành thì lại “ngã ngửa ra vì nó động tới việc nọ, động tới việc kia”.

Có thể bạn quan tâm

  • Khó thu hồi tài sản tham nhũng vì đã sang tên người khác

    Khó thu hồi tài sản tham nhũng vì đã sang tên người khác

    17:00, 24/10/2021

  • Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phòng, chống tham nhũng 

    Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về phòng, chống tham nhũng 

    05:00, 24/10/2021

  • Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh

    18:03, 23/10/2021

  • “Tham nhũng mấy triệu là hình sự, thất thoát lãng phí thì thế nào?”

    “Tham nhũng mấy triệu là hình sự, thất thoát lãng phí thì thế nào?”

    18:00, 22/09/2021

  • Tham nhũng, trục lợi từ dịch bệnh COVID-19: Vì đâu vẫn tiềm ẩn?

    Tham nhũng, trục lợi từ dịch bệnh COVID-19: Vì đâu vẫn tiềm ẩn?

    04:05, 17/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Minh bạch để “bịt” kẽ hở tham nhũng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO