Kinh tế

“Mở hàng” năm mới 2025

Trương Khắc Trà 07/01/2025 03:59

Người Việt hay dùng từ “mở hàng” để ngụ ý cho một khởi đầu mới nào đó, và ngay lúc này thế giới cũng đã chính thức bước sang năm 2025.

Hầu hết hoạt động có thể gác lại trong thời khắc này, nhưng thương mại thì không, đặc biệt là trao đổi hàng hóa quốc tế.

gdp-nganh-auto-crop.jpg
Dự báo tăng trưởng GDP của một số ngành. Nguồn: TCBS

Vậy khả năng xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam năm 2025, sẽ “mở hàng” ở đâu, buôn bán với ai và điều hướng thị trường ra sao để khai thác tối đa triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trên 10%?

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất đã định hình hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN và Hàn Quốc. Khá nhiều đối tác trong nhóm này có khả năng bùng nổ thương mại với Việt Nam vào năm 2025.

Vào năm 2020, chúng ta còn dè dặt khi đề cập đến cột mốc trao đổi thương mại 100 tỷ đô la Mỹ với đối tác thương mại là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng chưa đầy 4 năm giấc mơ thành hiện thực, thương mại Việt - Mỹ, tổng kim ngạch có thể đạt 125-130 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025.

Chủ lực dệt may tiếp tục là “cánh chim” đầu đàn; gỗ mỹ nghệ và nông lâm thủy sản vẫn đóng vai trò “hộ công” đắc lực. Sự mở rộng quy mô sản xuất của Intel, Samsung, Amkor, LG tại Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể khối lượng và giá trị xuất khẩu nhóm hàng linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông vào thị trường Mỹ. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, ngành hàng nông sản và chế biến chế tạo sẽ tiên phong “mở hàng” vào thị trường Mỹ và EU trong giai đoạn đầu năm mới 2025.

Một động lực khác là thị trường Halal cho các quốc gia Hồi giáo sẽ mở rộng quy mô nhu cầu mua sắm 1,67 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Cơ hội mới với hàng nông sản và nông sản chế biến của Việt Nam. Sau khi Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định thương mại tự do vào năm 2023 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt đạt được chứng chỉ halal - tấm vé thông hành quyết định việc đưa hàng hóa vào thị trường đặc trưng này, ví dụ Vinamilk, Bibica, Cholimex,…

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nhiều quốc gia Hồi giáo đang phát triển rất tốt, xác định điểm nhấn sẽ xuất hiện từ năm 2025. Đơn cử, Việt Nam - Malaysia phấn đấu tăng kim ngạch thương mại lên 18 tỷ USD, Việt Nam - UAE lên 10 tỷ USD, Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ lên 5 tỷ USD,…

Câu chuyện đáng được quan tâm hơn là doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm cách điều hướng thị trường. Một mặt đa dạng hóa đối tác, tìm kiếm thị trường mới, vận dụng tối đa lợi thế với những mặt hàng “đặc chủng”; mặt khác chúng ta đang chuyển đổi về phương pháp sản xuất.

Điển hình như ngành dệt may, dự kiến xuất khẩu 40-66 tỷ đô la Mỹ trong năm 2025, nhiều doanh nghiệp “xanh hóa” dây chuyền, tái cấu trúc chuỗi cung ứng nguyên liệu, thậm chí đã chủ động nghiên cứu và sáng tạo.

Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề tiềm ẩn với thương mại toàn cầu đang “chờ đón” hàng hóa Việt Nam, với những tác động sau: thuế quan thương mại của Mỹ sau khi ông Trump trở thành Tổng thống, sức ép từ hàng hóa Trung Quốc với thị trường nội địa và nguy cơ “mượn đường” Việt Nam xuất khẩu sang các nước thứ ba.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mở hàng” năm mới 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO