Theo chuyên gia, cần kết hợp tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, hài hòa các chính sách khuyến khích của nhà nước và biện pháp doanh nghiệp đưa ra, tự thực hiện.
>>>“Tải trọng cả đội tàu container Việt Nam chỉ bằng 2 con tàu lớn trên thế giới”
Mặc dù là khái niệm đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1980, là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường nhằm giảm tối đa cái tác động tiêu cực đến môi trường, tuy nhiên “logistics xanh” còn chưa được quan tâm đúng mực tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 đã có những cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải. Do đó, trong những năm tới “Logistics xanh” được xem là xu thế và là yêu cầu tất yếu, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp phát triển logistics xanh để tận dụng các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới để ngành phát triển, hỗ trợ mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Trong chuyến khảo sát cùng Đoàn Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, phóng viên có cơ hội gặp gỡ và khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp logistics gồm hàng không, đường biển, đường bộ, đường sắt cũng như chính các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chủ hàng về nhu cầu vận chuyển và sử dụng dịch vụ logistics của họ.
Điều không mấy ngạc nhiên là dù phần lớn doanh nghiệp có nhận thức về logistics xanh nhưng còn khá ít các doanh nghiệp đánh giá cũng như đầu tư đúng mực. Trong khi đó, về khách quan, cơ sở hạ tầng logistics vẫn còn nhiều hạn chế, là khó khăn về phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế các quy định liên quan đến các loại cơ sở hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Ngoài ra, những chính sách về quy trình sản xuất để đảm bảo phát triển logistics xanh còn rất hạn chế đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải; tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường và quảng bá sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo.
Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, nội dung phát triển logistics xanh được đánh giá gồm xanh hoá hoạt động vận tải, xanh hoá hoạt động kho bãi, xanh hoá hoạt động đóng gói, xanh hoá hệ thống thông tin và phát triển logistics ngược. Tuy nhiên kết quả của những hoạt động này còn khá mờ nhạt tại Việt Nam.
Theo Ngân hàng thế giới đánh giá, tại Việt Nam, vận tải đường bộ có lượng phát thải khí rất lớn, chiếm 85%, tiếp đến là vận tải đường thủy nội địa 10% và vận tải đường hàng không là 5%. Nguyên nhân của tình trạng này là phân bổ đội xe, đội xe tải của Việt Nam có rất nhiều, con số thống kê là 68% xe tải của Việt Nam có trọng tải dưới 5 tấn.
Kết quả của Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 cũng cho thấy, vận tải đường bộ, có tới 13% số doanh nghiệp khảo sát có tỷ lệ xe chạy rỗng là trên 50%, điều này cũng làm gia tăng thêm tính không hiệu quả trong vận tải đường bộ và gây ảnh hưởng tới môi trường.
Với vận tải đường sắt vốn được coi là phương thức vận tải thân thiện với môi trường, tuy nhiên, vẫn chưa đầu tư và khai thác hết tiềm năng của ngành vận tải này. Hiện nay phương tiện của chúng ta vẫn còn rất nhiều các phương tiện cũ, xả thải độc ra môi trường hay là tiếng ồn của vận tải đường sắt cũng là những yếu tố tác động tới môi trường rất lớn.
Trong khi vận tải đường biển và vận tải đường thủy nội địa đã có khá nhiều hoạt động và sáng kiến nhằm phát triển xanh bởi tính quốc tế cao thì vận tải hàng không lại chưa bắt kịp xu thế này.
Cụ thể, hệ thống vận tải đường hàng không, mạng lưới cảng hàng không được quy hoạch có khoảng 12.409 hecta với sân bay lớn nằm ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. “Tuy nhiên ba cảng hàng không lớn đều trong trạng thái quá tải. Phát thải khí CO2 của vận tải hàng không chiếm 5% và trực tiếp làm ô nhiễm bầu khí quyển”, Nói như TS.Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cho biết.
Trong lĩnh vực kho bãi thì hệ thống nhà kho của Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng nguồn điện thông thường chủ yếu để phát sáng cũng như là kiểm soát nhiệt độ. Có tới 68,6% số doanh nghiệp trả lời chưa sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo trong vận hành hoạt động kho tại doanh nghiệp hoặc chưa thuê kho có sử dụng năng lượng tái tạo.
Về lý do, 65,3% doanh nghiệp nêu lý do chưa có đủ nguồn lực để thiết kế hệ thống vận hành và 29,2% doanh nghiệp cho rằng chi phí để thiết lập hệ thống kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo cao khiến doanh nghiệp không đủ khả năng đầu tư. Trong số 31,4% số doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng tái tạo trong vận hành kho bãi thì 81,8% doanh.
Đặc biệt, có rất ít số liệu điều tra về thực trạng hệ thống thông tin logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động logistics tại thành phố Hà Nội mới chỉ sử dụng các công cụ công nghệ thông tin cơ bản như điện thoại, tin nhắn SMS, thư điện tử, fax, website, mạng LAN, WAN. Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng IT đối với ngành logistics, tuy nhiên, do tỷ suất đầu tư lớn dẫn đến các hạng mục IT của doanh nghiệp như: hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP)... được thực hiện khá manh mún, không mang tính hệ thống nên kết quả đầu tư không như mong đợi.
“Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ có khả năng triển khai dòng logistics ngược cho sản phẩm không đáp ứng yêu cầu của khách hàng hoặc phế phẩm, phụ phẩm phát sinh trong doanh nghiệp mà chưa đủ năng lực, cũng như không bị ràng buộc trách nhiệm để tổ chức thu gom, tái chế các sản phẩm hết hạn sử dụng từ người tiêu dùng”, TS.Trịnh Thị Thu Hương chia sẻ.
Đối với các yếu tố thuộc môi trường bên trong doanh nghiệp, Báo cáo cũng chỉ rõ, mặc dù các doanh nghiệp đã có chiến lược phát triển logistics nhưng thực tế triển khai hệ thống logistics xạnh tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện ở kết quả khảo sát là có tới 66,2% số doanh nghiệp logistics cho biết họ chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn ISO.14001.
>>>Đề xuất 7 giải pháp phát triển ngành logistics trong bối cảnh mới
Từ thực tế này, nhóm chuyên gia của Báo cáo Logistics 2022 đề xuất: “cách tiếp cận hợp lý nhất đối với phát triển logistics xanh tại Việt Nam là kết hợp tiếp cận từ trên xuống (quy định của nhà nước bắt buộc phải thực hiện) và từ dưới lên (doanh nghiệp ý thức về phát triển xanh nên tự có biện pháp thực hiện). Đó là việc kết hợp hài hòa các quy định của nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh thông qua các chính sách cùng với các biện pháp do doanh nghiệp đưa ra và tự thực hiện”.
Theo đó, Chính phủ cần xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin.
“Nhà nước cần quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa các hoạt động logistics, tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức. Cần tiến hành đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp”, TS.Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, tránh chồng chéo giữa các cơ quan bộ ngành. Đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải. Bên cạnh đó là một loạt các quy định, chính sách khác như quy định về bằng cấp chứng chỉ đào tạo bắt buộc cho người điều khiển phương tiện về tiết kiệm năng lượng, an toàn và xanh hóa môi trường; chính sách quy định về bao bì xanh, rác thải xanh đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh kho hàng..
Nhóm chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ khuyến khích, thúc đẩy logistics xanh tại doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dùng cơ chế về thuế và luật để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ (không phải xăng dầu), khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng các-bon..
Đặc biệt cần có thước đo chung cho logistics xanh thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay (chỉ số năng lực phát triển logistics xanh - green logistics performance index).
Đối với doanh nghiệp, cần xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistics xanh; Kiểm soát logistics xanh tại kho; Cải tiến chất lượng phương tiện vận tải. Triển khai công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến; Tận dụng các ưu đãi của Nhà nước; Hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.
Có thể bạn quan tâm
02:06, 28/11/2022
13:07, 26/11/2022
11:32, 26/11/2022
09:39, 26/11/2022
17:02, 26/11/2022