Tác động của dịch COVID-19 khiến dòng người ồ ạt rời khỏi TP.HCM tạo thành "cơn bão" hồi hương chưa từng có trong lịch sử.
Điều này đã phơi bày một thực tế, việc phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp vốn đã cấp thiết nay lại càng nóng bỏng hơn.
Hậu quả của việc vỡ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ đã bắt đầu lộ rõ. Điều này cho thấy, chính sách cần dựa trên cơ chế thị trường, cho doanh nghiệp ở thế chủ động, tạo lợi nhuận cho đầu tư NƠXH, nhà giá thấp.
Muốn vậy, Nhà nước cần giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư nào có thể xây dựng nhà ở với chất lượng tốt nhất nhưng giá thành thấp nhất thì được lựa chọn để triển khai dự án. Nhà nước có thể khống chế mức giá sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn tạo được lợi nhuận đầu tư doanh nghiệp.
Ví dụ như ở Hà Nội hay TP.HCM mức giá có thể trong khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2 còn các tỉnh thành khác có thể thấp hơn. Còn diện tích căn hộ, cách thức triển khai là do doanh nghiệp quyết định dựa trên nhu cầu thị trường. Phải khoán việc, cho doanh nghiệp quyền được chủ động thì họ mới có thể cân đối nguồn vốn đầu tư, chi phí và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng cần những ưu đãi nhất định để làm sao có thể giảm giá thành cho sản phẩm nhiều nhất. Người mua nhà cũng cần có giải pháp tài chính để có thể tiếp cận được với nhà ở xã hội, nếu không, nguồn cung có tăng lên, mà đối tượng cần mua không tiếp cận được thì chủ đầu tư cũng sẽ không bán được hàng. Nếu trước đây, thời gian cho vay là từ 10 - 15 năm, bây giờ có thể tăng lên 25 - 30 năm để giảm gánh nặng tài chính cho người dân.
Quan trọng là các doanh nghiệp chủ động trong vấn đề xây dựng và mua bán, người mua cũng được lựa chọn căn hộ mà mình muốn mua. Việc bốc thăm nhà ở xã hội hiện nay đang rất bấp cập, người thích ở tầng thấp thì phải lên cao, người muốn ở trên cao thì phải xuống thấp.
Mặt khác, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng nên nới rộng hơn, để tất cả người dân ở diện yếu thế trong xã hội không tiếp cận được nhà ở thương mại đều có quyền mua, cắt bớt các thủ tục hành chính để người dân dễ tiếp cận.
Thông thoáng các chính sách, đúng người đúng việc, không xin - cho, tự nhiên sẽ triệt tiêu được các tiêu cực lợi ích nhóm và chúng ta có thể phát triển thị trường nhà ở xã hội một cách lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu. Nếu làm được điều này thì chẳng cần hô hào cũng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào làm.
Việc quy hoạch và xây dựng các “đại đô thị nhà ở xã hội” xa trung tâm thành phố nhưng gần các cụm công nghiệp là ý tưởng, hướng đi rất sáng. Ở Ấn Độ, Tập đoàn TATA Housing đã và đang phát triển nhiều dự án nhà ở giá rẻ cách trung tâm các thành phố lớn 30 - 50km nhưng có kết nối giao thông tốt với thành phố và các khu công nghiệp, rất thuận tiện cho người dân đi làm và đi vào thành phố.
Mặc dù các dự án của DN này là nhà ở thương mại giá rẻ, nhưng những đối tượng người dân được hưởng chính sách nhà ở xã hội khi mua nhà vẫn được nhà nước trợ giá nhà. Cách làm này của Ấn Độ rất đáng tham khảo và có thể triển khai ở các huyện ngoại thành của TP. HCM và Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm