Chuỗi nhà thuốc An Khang thuộc Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa công bố đạt mốc 500 nhà thuốc vào ngày 15/7.
>>>MWG mở đường cho chuỗi Bách Hóa Xanh IPO
Từ việc có 178 nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2021, chuỗi liên tục mở mới, đặc biệt là từ cuối tháng 5, mỗi tháng hệ thống này mở mới khoảng 100 cửa hàng. Hiện nay, các cửa hàng An Khang chủ yếu ở miền Nam và đơn vị có kế hoạch tiến dần ra cả khu vực miền Trung và miền Bắc.
Theo đại diện của MWG, việc mở rộng thần tốc là quá trình tất yếu sau thời gian thăm dò thị trường. Tham gia cuộc đua muộn hơn thị trường nên An Khang phải duy trì tốc độ để rút ngắn khoảng cách với các nhà bán lẻ khác.
“Với tốc độ như hiện tại, có thể sớm hoàn thành kế hoạch 800 cửa hàng trong năm nay và cuối năm chuỗi An Khang sẽ có lời. Bên cạnh đẩy mạnh tốc độ mở mới, An Khang cũng thay đổi nhận diện thương hiệu sang màu xanh – trắng, bài trí lại cửa hàng, đảm bảo nguồn gốc thuốc đầy đủ và đa dạng…”, đại diện MWG cho biết.
Bên cạnh chuỗi nhà thuốc An Khang, các thành viên khác thuộc hệ sinh thái MWG cũng đang miệt mài mở rộng quy mô. Trong 5 tháng đầu năm 2022, chuỗi Điện Máy Xanh Supermini mở thêm 317 cửa hàng, Topzone mở thêm 36 cửa hàng.
Tuy nhiên, trái ngược với việc mở rộng thần tốc của chuỗi nhà thuốc An Khang, cũng như các thành viên khác thuộc hệ sinh thái MWG, chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG lại liên tục thu hẹp quy mô và chỉ trong 3 tháng chuỗi bách hóa này đã đóng cửa 188 cửa hàng.
Cụ thể, tháng 4, Bách Hoá Xanh có 2.140 cửa hàng. Tuy nhiên, tính đến tối 12/7, theo thông tin trên website, chuỗi siêu thị - bách hoá này chỉ còn sở hữu 1.952 điểm bán, tức giảm 188 cửa hàng. Động thái đóng cửa này nằm trong lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành cho Bách Hoá Xanh, được MWG đưa ra trong báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, từ tháng 4/2022, tập đoàn sẽ bắt đầu thay đổi layout (cách bố trí – sắp xếp cửa hàng) cho chuỗi siêu thị theo chuẩn mới: Chỉ tập trung vào 2.000-3.000 SKUs có nhu cầu tiêu dùng cao và thường xuyên, đồng thời xây dựng chính sách hàng hóa mới, biến Bách Hoá Xanh thành lựa chọn hàng đầu về sản phẩm tươi sống của người nội trợ. Chỉ sau 1 tháng, 50% số cửa hàng đã thay đổi layout.
MWG đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc thay đổi layout cho 100% cửa hàng vào quý III/2022. Đặc biệt, tập đoàn này cũng quyết liệt rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Đây được cho là động thái quyết liệt của ông lớn MWG, nhằm củng cố lại nền tảng cho Bách Hoá Xanh sau quãng thời gian tăng trưởng nóng và gặp không ít vấn đề về truyền thông, khách hàng vào năm ngoái.
>>>Bách Hóa Xanh tạm dừng mở mới, Dragon Capital vẫn mua vào MWG
Tính đến cuối năm 2021, chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.852 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài từng thừa nhận, năm 2021 với nhu cầu tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh, Bách Hóa Xanh tập trung vào khâu chuẩn bị hàng hóa để phân phối mà buông lỏng khâu chăm sóc khách hàng, chất lượng phục vụ.
Do vậy, trong năm 2022, tập đoàn này định hướng chuỗi tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng. Đối với những cửa hàng đã ký hợp đồng thuê mặt bằng và chuẩn bị ra mắt từ năm trước vẫn triển khai theo lộ trình đề ra.
"Bách Hóa Xanh sẽ tiến hành “tập gym” trong năm 2022, để lấy đà mở rộng ra thị trường miền Trung và miền Bắc từ năm 2023 đến 2025. Chúng tôi không muốn uống thuốc kích thích để có thể ngay lập tức nâng được tạ thật to hay tăng trưởng đột biến, mà muốn luyện tập từ từ để phát triển các cơ bắp nhằm có một cơ thể khỏe mạnh thật sự, thì mới có thể đi đường dài", ông Nguyễn Đức Tài ví von.
Trở lại với chuỗi nhà thuốc An Khang, không riêng MWG mà các “ông lớn” khác như Long Châu hay Pharmacity cũng đang tăng tốc mở rộng quy mô cửa hàng trong bối cảnh nhu cầu về thuốc của người dân đang tăng cao hậu đại dịch COVID-19.
Hiện tại, Long Châu đang sở hữu gần 700 nhà thuốc và dự kiến sẽ đạt 800 cửa hàng vào cuối năm nay. Còn Pharmacity bỏ xa các đối thủ trên đường đua khi đã vượt mốc 1.000 điểm bán. Đến hết năm 2022, Pharmacity phấn đấu đạt 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người.
Ông Nguyễn Đức Tài từng cho rằng, ngành dược sau đợt dịch có những bước phát triển rất tốt. Nếu trước đây, nhà thuốc cơ bản chỉ bán thuốc chữa bệnh thì sau dịch, nhu cầu thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng tăng trưởng nhiều. Hay nói cách khác, ngành thuốc Việt Nam bắt đầu dịch chuyển từ nhu cầu “chữa bệnh” sang “bảo vệ sức khỏe”. Do đó, đây là thời điểm vàng để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng quy mô quá nóng, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ thuốc giữa các “ông lớn”, chưa tính đến hệ thống các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ có mặt ở khắp nơi; liệu rằng, MWG có thành công với chuỗi nhà thuốc An Khang? Hay lại giẫm lên “vết xe đổ” của chuỗi Bách Hóa Xanh vì nôn nóng phát triển nhưng lại bỏ qua sự trải nghiệm của khách hàng, để rồi lại phải thu hẹp và tái cấu trúc?
Có thể bạn quan tâm
Khối ngoại “dứt tình” với MWG
12:30, 12/07/2022
MWG mở đường cho chuỗi Bách Hóa Xanh IPO
08:00, 01/06/2022
Bách Hóa Xanh tạm dừng mở mới, Dragon Capital vẫn mua vào MWG
04:30, 18/04/2022
MWG có bị ảnh hưởng bởi “bê bối” miễn, giảm giá thuê mặt bằng?
15:00, 09/10/2021
Không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng, MWG đang “ép” đối tác?
15:13, 04/10/2021