Theo Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, lĩnh vực xuất nhập khẩu có sự cải thiện về môi trường kinh doanh liên tục trong nhiều năm qua…
Ngày 20/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, đây là báo cáo do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform). Trong đó, năm 2020, lĩnh vực xuất nhập khẩu có sự cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh trong khi nhiều lĩnh vực khác có xu hướng giảm điểm.
Theo đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 (Nghị quyết 02) yêu cầu các bộ ngành phải công khai danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành với mã HS tương ứng, cách thức quản lý và chi phí doanh nghiệp phải trả và hầu hết các bộ ngành đều đã công bố đầy đủ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành với mã HS tương ứng, được ban hành dưới dạng Thông tư hoặc Quyết định của Bộ trưởng.
Tuy nhiên, do các văn bản về quản lý hàng hóa từng lĩnh vực thay đổi thường xuyên và tương đối phức tạp, nhiều hướng dẫn chi tiết lại nằm ở các công văn của các cục, vụ chuyên môn, nên các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics vẫn thường phải tự lập các bảng hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 02 cũng giao cho Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Và tháng 01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án này và dự kiến sẽ được thể chế hoá bằng một Nghị định được ban hành trong quý II năm 2021. Đề án có mục tiêu tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm về cơ quan hải quan, từ đó sẽ giúp liên kết tốt hơn giữa việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và kiểm tra hải quan, đồng thời giúp áp dụng quản lý rủi ro vào công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp hy vọng đề án sớm được thực hiện và Nghị định ban hành theo hướng cắt giảm chi phí kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm đầu mối, giảm thủ tục và tránh độc quyền cung cấp các dịch vụ chứng nhận sự phù hợp.
Ngoài ra, đối với vấn đề tính thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa trong gia công hàng hóa, Nghị quyết 02 cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính xử lý dứt điểm những vướng mắc đang tồn tại nhiều năm qua, gây nhiều xung đột trong quá trình áp dụng pháp luật giữa cơ quan hải quan và nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giầy và một số ngành chế tạo.
Nghị định số 18/2021/NĐ-CP8 mới ban hành đã có quy định giải quyết được vấn đề này và nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp.
Trong đó, Nghị quyết 02 giao cho Bộ NN&PTNT một số nhiệm vụ liên quan đến cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành đã gây nhiều vướng mắc và phí tổn cho các doanh nghiệp trong nhiều năm, bao gồm: thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan), đảm bảo thực hiện nhất quán, tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các Hiệp hội có liên quan trong lĩnh vực thuỷ sản, thực phẩm thì Bộ NN&PTNT chưa thực hiện các nội dung đã nêu. Cụ thể, trong năm 2020 và đầu năm 2021, Cổng một cửa quốc gia cũng đã tiến hành tích hợp thêm một số thủ tục mới nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có thể kể đến như 9 thủ tục thuộc lĩnh vực thú y được tích hợp vào tháng 4/2020, 9 thủ tục thuộc lĩnh vực dược phẩm vào tháng 1/2021, 6 thủ tục trong lĩnh vực hoá chất, thuốc lá vào tháng 2/2021.
Như vậy, trong giai đoạn năm 2020 và đầu năm 2021, đã có 24 thủ tục mới được tích hợp, nâng tổng số lên 212 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,63 triệu hồ sơ của gần 44,8 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Dù các Nghị quyết của Chính phủ nhiều lần yêu cầu, tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc kiểm tra chuyên ngành hàng hoá vẫn hầu như không được thực hiện hoặc được thực hiện với các tiêu chí đơn lẻ và khó đáp ứng. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng hầu như rất ít trường hợp có thể được áp dụng cơ chế kiểm tra giảm hoặc miễn kiểm tra.
Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp tham gia thực hiện khảo sát, thì có 13,4% doanh nghiệp có thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu trong một năm vừa qua.
Kết quả khảo sát cho thấy, thời gian các doanh nghiệp phải bỏ ra để thông quan hàng hoá xuất khẩu là 02 ngày (theo con số trung vị) hoặc 2,8 ngày (theo con số trung bình). Đối với hàng hoá nhập khẩu, thời gian để thông quan hàng hoá là 02 ngày (theo con số trung vị) hoặc 4 ngày (theo con số trung bình).
Ngoài ra, đi vào từng thủ tục cụ thể trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, các thủ tục về nộp thuế, khai hải quan tương đối dễ thực hiện với chỉ có 17% và 24% doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngược lại, các thủ tục hoàn thuế (42%), quyết toán thuế (42%) và kiểm tra thực tế hàng hoá (40%) lại gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Sông Đốc phía Nam
21:02, 07/04/2021
Hải Phòng: Cam kết về một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch để thu hút FDI
03:05, 05/03/2021
Khánh Hòa: Nỗ lực cải thiện môi trường đâu tư kinh doanh và thu hút đầu tư
05:22, 11/02/2021
Có thể bãi bỏ thêm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
04:30, 10/02/2021
Thủ tướng: Nghệ An phải lên top 10 trong môi trường đầu tư kinh doanh
12:54, 17/10/2020