Momo hoàn thành vòng gọi vốn series D hướng tới siêu ứng dụng

NGUYỄN LONG 13/01/2021 13:58

Với nguồn vốn mới được kêu gọi trong vòng gọi vốn series D, lãnh đạo MoMo cho biết sẽ sử dụng để phát triển MoMo trở thành siêu ứng dụng, dần lên lộ trình để IPO trong tương lai.

Ban lãnh đạo MoMo định hướng sẽ tăng lên 50 triệu người dùng trong 2 năm tới.

Ban lãnh đạo MoMo định hướng sẽ tăng lên 50 triệu người dùng trong 2 năm tới.

Vòng gọi vốn series D của MoMo lần này có các nhà đầu tư mới Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

Ông Trần Duy Đông Thứ trưởng bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, định hướng kịp thời để Việt Nam tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và phát triển con người.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nêu rõ phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Fintech đã mang tới những mô hình đổi mới sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng, tài chính truyền thống khi chuyển sang ngân hàng số.

Fintech có thể giúp ngân hàng giải quyết các vấn đề về dịch vụ sản phẩm, tài chính truyền thống vốn bị giới hạn bởi thời gian, không gian, cũng như thủ tục, giao dịch  phức tạp. Bên cạnh đó, Fintech cũng đóng vai trò thúc đẩy phổ cập tài chính đến các quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính với bộ phận người dân chưa có thẻ ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Từ năm 2015 các fintech đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tuy nhiên nếu so với các quốc gia khác trong khu vực mức độ phát triển của các fintech còn khiêm tốn. “Ở Việt Nam, MoMo là một trong những fintech hiếm hoi từng vào danh sách 100 start up về fitnech trên thế giới, vì vậy chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của MoMo từ khi thành lập đến nay” – ông Trần Duy Đông nhận định.

Ông Đông đánh giá việc MoMo kêu gọi vốn thành công Series D từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong đó có các nhà đầu tư mới Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management là một dấu hiệu tốt cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung và các fintech nói riêng.

Với thành công đó, ông Đông kỳ vọng MoMo sẽ trở thành kỳ lân thứ ba của Việt Nam.

 ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch MoMo

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch MoMo

Trao đổi về định hướng phát triển của MoMo trong thời gian tới ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch MoMo đã chia sẻ các sản phẩm và dịch vụ của MoMo tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi phục vụ mục tiêu phát triển nền kinh tế số của đất nước.

Nền tảng mở của MoMo cho phép hàng chục triệu người dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), dễ dàng tiếp cận và tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, công ty có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán MoMo và 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.

Mặc dù thị trường đã có những thay đổi đầy thách thức trong năm 2020, MoMo đã đạt được những kết quả kinh doanh ngoạn mục với lượng khách hàng tăng hơn gấp đôi, đạt 23 triệu khách hàng và tổng sản lượng giao dịch cũng tăng 3,5 lần, đạt con số 14 tỷ USD.

Nhận định về khoản đầu tư vòng gọi vốn series D, ông Nguyễn Mạnh Tường cho hay khoản đầu tư đó không chỉ thể hiện sự công nhận của các nhà đầu tư đối với những thành tựu chúng tôi đã đạt được mà còn thể hiện niềm tin của những nhà đầu tư vào tầm nhìn của MoMo – đó là cung cấp cho người dân Việt Nam khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán di động dễ dàng nhất với chi phí thấp.

“Vốn đầu tư và các nguồn lực của các nhà đầu tư sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ phát triển của MoMo và giúp công ty củng cố vị thế số một trên thị trường, cũng như nắm bắt những cơ hội rộng mở trong tương lai” – Phó Chủ tịch MoMo cho biết 

Theo thông tin từ MoMo, nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam, và ra mắt “Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo” (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn MoMo.  

Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch MoMo cho biết mục tiêu chạm mốc 50 triệu người dùng trong 2 năm tới, đồng thời đang lên kế hoạch cho việc IPO.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

    Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

    05:08, 12/01/2021

  • Gọi vốn 97 triệu USD, startup GoBear vẫn phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19

    Gọi vốn 97 triệu USD, startup GoBear vẫn phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19

    04:21, 11/01/2021

  • Startup Lalamove gọi vốn thành công 515 triệu USD

    Startup Lalamove gọi vốn thành công 515 triệu USD

    03:38, 03/01/2021

  • Startup Palexy do Tiến sĩ Thông Đỗ sáng lập gọi vốn 1 triệu USD từ Do Ventures và Access Ventures

    Startup Palexy do Tiến sĩ Thông Đỗ sáng lập gọi vốn 1 triệu USD từ Do Ventures và Access Ventures

    04:23, 21/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Momo hoàn thành vòng gọi vốn series D hướng tới siêu ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO