“Mong manh” đại dương xanh

CÁP TẦN 09/10/2022 04:00

Tìm ra được đại dương xanh rất khó, nhưng để giữ cho đại dương vẫn “xanh” lại càng khó hơn vì các đối thủ sẽ nhảy vào và biến đại dương xanh đó thành đỏ ngay lập tức.

>>Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 3) Một chiến lược rất khó

Nhưng việc các đại dương xanh liên tục được khai phá, cho dù sẽ đỏ ngay lại, lại rất tốt cho thị trường bởi lúc đó người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm mới, sáng tạo mới không ngừng.

Chiến lược Đại dương xanh

Trong kinh doanh, “đại dương xanh” và “đại dương đỏ” là hai khái niệm, hai kiểu chiến lược rất quen thuộc. Trong đó, đại dương đỏ tượng trưng cho thị trường sẵn có, gồm nhiều ngành nghề, giới hạn của các ngành được phân định rạch ròi. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt trong ngành nghề của mình để tạo ra doanh thu. Đó là một cuộc chiến “đẫm máu”, tạo ra đại dương đỏ.

Trái ngược với đại dương đỏ, đại dương xanh là nơi mà hai chữ “cạnh tranh” không tồn tại. Với đại dương xanh, doanh nghiệp tự tạo ra, tìm tòi, khai phá một không gian thị trường chưa từng được biết đến hoặc chưa từng xuất hiện. Ở đó, doanh nghiệp không phải cạnh tranh, mà phải tạo nhu cầu cho khách hàng với những sản phẩm cải tiến, đột phá, vừa có giá thành thấp vừa có nhiều giá trị cho khách hàng.

Đại dương xanh hấp dẫn như vậy nên rất nhiều doanh nghiệp bị quyến rũ. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay và trong tương lai, doanh nghiệp thành công không phải là doanh nghiệp cạnh tranh giỏi với đối thủ, mà phải là bên biết tạo ra những cái mới, những cải tiến, khai phá ra đại dương xanh. Nhưng thực tế lại rất khác.

>>Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển

Cú xoay chuyển của Nintendo

Nintendo là một hãng trò chơi điện tử gạo cội với những trò đi cùng tuổi thơ của cả một thế hệ như Mario. Tuy nhiên đến đầu những năm 2000, Nintendo bị những đối thủ như Sony hoặc Microsoft lấn át. Những máy chơi trò điện tử của 2 hãng này là PlayStation và Xbox có phần cứng mạnh, đồ họa đẹp, kịch bản trò chơi đồ sộ. Nintendo gần như không có “cửa” để cạnh tranh, tình hình rất bế tắc.

Sau đó, Nintendo phát hiện ra một thực tế, đó là những người bình thường, không có kỹ năng công nghệ cũng muốn và thích chơi trò chơi điện tử. Những người này lại không đủ máu để mua máy đắt tiền và đủ kỹ năng, thời gian để chơi những trò chơi đầu tư mạnh của Sony và Microsoft. Đây là cả một vùng đại dương xanh mà 2 hãng kia chưa ngó tới.

p/Nintendo cho khách hàng một cách chơi mới, khác hoàn toàn so với những trải nghiệm của các đối thủ. Ảnh: IGN

Nintendo cho khách hàng một cách chơi mới, khác hoàn toàn so với những trải nghiệm của các đối thủ. Ảnh: IGN

Tháng 11/2006, Nintendo cho ra mắt sản phẩm máy chơi trò chơi Nintendo Wii. Nintendo cho khách hàng một cách chơi mới, khác hoàn toàn so với những trải nghiệm của các đối thủ của họ, nhưng vẫn phải giữ giá thành ở mức thấp hơn hàng của Sony hay Microsoft. Họ cố gắng tạo nên những đổi mới về giá trị, tập trung vào sự tối giản, dễ chơi và giá thấp để ai cũng chơi được, thu hút khách hàng mới. Điều này giúp họ trực tiếp nhắm đến tệp khách hàng, dù không phải truyền thống (cụ thể là game thủ), nhưng lại rộng lớn hơn.

Vậy nên sau đó người ta thấy khách hàng của Nintendo Wii có cả phụ nữ và người lớn trên 60 tuổi. Trong giai đoạn 2008- 2010, thị phần Nintendo Wii đều cao hơn PS3 hoặc Xbox. Thậm chí trong năm 2008, thị phần của doanh nghiệp này còn chiếm đến 46%. Đây là một đại dương xanh hoàn hảo.

Rất nhanh thành “đỏ”

Dĩ nhiên với thành công của Nintendo Wii, hai đối thủ Sony Playstation và Microsoft Xbox chắc chắn không để yên.

Tháng 9/2010, Sony ra mắt bộ phụ kiện tay cầm PlayStation Move cho máy chơi game PS3 của mình để người chơi dễ chơi hơn và chơi ở đâu cũng được.

Còn Microsoft vào tháng 10/2010 ra mắt Kinect - thiết bị đầu vào cảm biến chuyển động cho máy chơi game Xbox 360. Kinect không sử dụng bộ điều khiển, mà dùng một loại cảm biến cho phép người chơi chỉ cần dùng cử chỉ, chuyển động và lời nói.

Thế là cả Sony và Microsoft đều nhảy vào đại dương xanh “dễ chơi” của Nintendo. Một đại dương có 3 con “cá mập” này nhanh chóng biến thành đỏ lừ, cạnh tranh gay gắt như ban đầu.

Không chỉ có thế, sự “đỏ lừ” này đã ép Nintendo buộc phải cải tiến, sáng tạo cái mới khác để tìm đại dương xanh khác. Đến tháng 12/2012, họ ra mắt Wii U. GamePad là bảng điều khiển của Wii U, gồm một màn hình cảm ứng được tích hợp giúp người chơi có thể thay thế hoặc bổ sung tựa game đang ở trên màn hình chính.

Mặc dù GamePad giúp Nintendo tạo ra trải nghiệm chơi game khác biệt, giống như Wii năm 2006. Thế nhưng nếu Wii là một bước chuyển mình của Nintendo ra khỏi cạnh tranh phần cứng máy chơi, thì với Wii U, Nintendo lại vô hình trung quay về thị trường cũ. GamePad mặc dù được cải tiến, nhưng lại giống cách điều khiển cũ hơn cả Wii. Tức là ở đây, khi nâng cấp Wii thành Wii U, Nintendo lại “vô tình” rời khỏi đại dương xanh và quay về lại chiến trường cạnh tranh khốc liệt trước đó.

Doanh số của Wii U là nỗi thất vọng với Nintendo. Tính đến tháng 7/2013, Wii U bán được 3,6 triệu chiếc, thấp hơn kỳ vọng 5,5 triệu chiếc. Doanh số bán máy chơi game không đem lại lợi nhuận, Nintendo chỉ kiếm được lời dựa trên việc bán các tựa game. Thị phần bán hàng của Nintendo Wii và U từ vị trí thứ nhất tụt dần về thứ ba trong số ba ông lớn Nintendo, Sony và Xbox. Vậy là sau vài năm ngắn ngủi, Nintendo đành ngậm ngùi nhìn đại dương xanh của mình bị biến thành đỏ và quay về vị trí cũ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 3) Một chiến lược rất khó

    Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 3) Một chiến lược rất khó

    04:00, 14/09/2022

  • Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển

    Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 2) Những doanh nghiệp kinh điển

    05:05, 13/09/2022

  • Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 1) Câu chuyện Marvel

    Chiến lược đại dương xanh: (Kỳ 1) Câu chuyện Marvel

    05:04, 12/09/2022

  • ShopDunk đi tìm “đại dương xanh” mới

    ShopDunk đi tìm “đại dương xanh” mới

    03:08, 18/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mong manh” đại dương xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO