Trước hàng loạt các hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tế, việc xây dựng một luật sửa 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính được cho là giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực hiện văn bản 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, Bộ Tài chính đã tiến hành xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật (một luật sửa 7 luật), gồm: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế.
Theo đó, dù đem đến những kết quả nhất định sau khi được ban hành và có hiệu lực, tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, không ít quy định từ các luật nêu trên đã phát sinh hạn chế, bất cập dẫn đến những vướng mắc trong quá trình áp dụng vào thực tiễn.
Chẳng hạn như Luật Ngân sách nhà nước, kết quả rà soát cho thấy sau gần 8 năm thực hiện, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, công tác xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập.
Cụ thể, việc đầu tư, nâng cấp đường quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và do Bộ Giao thông vận tải quản lý và bố trí vốn; địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương… do vướng cơ chế này đã đẩy áp lực và gánh nặng lên ngân sách trung ương. Nhiều dự án giao thông mỏi mòn nằm chờ vốn nhiều năm liền do khó khăn trong bố trí vốn đầu tư công.
Hay như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhìn nhận về những hạn chế, bất cập, bà Trần Diệu An - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, luật hiện nay quy định “cứng” thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh đã hạn chế tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Hơn nữa, việc phân cấp thẩm quyền được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo nhiều tiêu chí khác nhau như: Theo loại tài sản, theo giá trị của tài sản, theo mức độ tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị… tuy nhiên, việc phân cấp này hiện nay chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tương tự, Luật Chứng khoán dù đem đến nhiều kỳ vọng tại thời điểm ban hành (năm 2019), tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, khung pháp lý của luật này vẫn chưa bao quát mọi hoạt động của thị trường chứng khoán, một số cơ chế chính sách chưa theo kịp diễn biến của các giao dịch, cung - cầu về hàng hóa luôn mất cân đối, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của chứng khoán…
Chưa kể, quá trình áp dụng vào thực tế đã cho thấy những kẽ hở, bất cập về quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng các quy định của luật để thực hiện hàng loạt các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán,…
Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Dự thảo một luật sửa 7 luật đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.
Như đối với Luật Ngân sách nhà nước, Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 Điều, trong đó quy định việc cho phép sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia các dự án đầu tư của ngân sách trung ương trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất vùng và liên vùng; bổ sung nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương có chi viện trợ; bổ sung chi các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn; bổ sung nội dung giao Chính phủ, UBND tổ chức thực hiện dự toán theo quy định của pháp luật đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết đầu năm…
Hay như, đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, các quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, quy định về áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác.
Nhìn nhận về đề xuất này, không ít ý kiến cho hay, tài sản công có phạm vi rộng, được giao cho nhiều loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, việc “phân cấp” theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ không đảm bảo được chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Do vậy, đẩy mạnh, mở rộng phạm vi giao quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng tài sản công như đề xuất của Dự thảo sẽ tăng tính chủ động cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cùng với đó, tại Dự thảo với Luật Chứng khoán, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các Điều về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; công ty đại chúng.
Đối với Luật Kế toán, cơ quan này dự kiến sửa đổi các khoản 2, 3, 4 Điều 2 về đối tượng áp dụng luật; bãi bỏ một số điều khoản về nội dung chứng từ kế toán; sửa đổi, bổ sung về sổ kế toán; báo cáo tài chính;… Luật Kiểm toán độc lập, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều gồm: Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán; về nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán;… Luật Quản lý thuế, đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 Điều bao gồm: Nguyên tắc quản lý thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quyền của người nộp thuế.
Các đề xuất sửa đổi, bổ sung này được cho sẽ thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực của Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác;...
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo, về chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công, ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 69, 70 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và Điều 57 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đều chưa có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, tiêu chí để người có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản việc sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh.
“Đây là một trong những vướng mắc vì trong thực tế, một số tài sản công như trụ sở làm việc chưa hoạt động hết công suất. Để tăng nguồn thu cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, có thể tăng tính tự chủ của các tổ chức này trong việc khai thác tài sản công bằng cách sửa đổi quy định pháp luật theo hướng giao lãnh đạo các tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với việc khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết”, đại diện VCCI góp ý.
Về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế, theo ông Hùng, quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán; đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán.
Ngoài ra, đối với việc yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn, có giao dịch phức tạp, doanh thu lớn kiểm toán báo cáo hàng năm, ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ vì bản chất của báo cáo kiểm toán tài chính là nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính cũng như việc báo cáo tài chính có được trình bày phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hay không.
“Kiểm toán độc lập cũng không được giao trách nhiệm giúp cơ quan nhà nước giám sát các doanh nghiệp và truy thu thuế mà đây là nhiệm vụ của kiểm toán Nhà nước, thanh tra cơ quan quản lý thuế”, ông Hùng bày tỏ.