Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về Bưu chính còn chưa phù hợp

ANH KHÔI 16/11/2021 04:00

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2011/NĐ-CP về thi hành Luật Bưu chính, VCCI cho rằng, một số quy định còn chưa phù hợp…

>>> Doanh nghiệp bưu chính chịu tác động từ dịch COVID-19

Trả lời Công văn số 425/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc tham gia thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bên cạnh những điểm tích cực thì Dự thảo còn một số quy định chưa phù hợp.

Theo VCCI, một số quy định tại Dự thảo còn chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Theo VCCI, một số quy định tại Dự thảo còn chưa phù hợp - Ảnh minh họa

Cụ thể, về Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính (điểm a khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP), Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải có: (1) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (2) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có); (3) Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; (4) Văn bản xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong năm tài chính liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính.

Theo VCCI, những quy định đã nêu cần được xem xét ở các điểm, về tài liệu (1): cơ quan cấp phép có thể tra cứu trong Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ tài liệu này.

Tài liệu (2), (3): tài liệu này không rõ nhằm hướng đến mục tiêu quản lý nào, mặt khác cũng không thể hiện là hình thức của điều kiện kinh doanh nào quy định tại Điều 21 Luật Bưu chính, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bỏ tài liệu này.

Tài liệu (4) không rõ nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nào (nếu để chứng minh khả năng tài chính của doanh nghiệp thì khoản 2 Điều 5 Nghị định 47/2011/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp chứng minh vốn pháp định thông qua vốn điều lệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Mặt khác, quy định này là chưa phù hợp với doanh nghiệp mới thành lập, chưa đi vào hoạt động tại thời điểm xin giấy phép bưu chính thì sẽ không thể cung cấp được văn bản này. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ tài liệu này.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ những quy định không cần thiết - Ảnh minh họa

VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ những quy định không cần thiết - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, VCCI cũng cho rằng, nội dung của phương án kinh doanh (điểm c khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP) yêu cầu bổ sung thêm “địa điểm kinh doanh” trong thông tin về doanh nghiệp. Trong khi điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định trong phương án kinh doanh phải có “địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ”, vì vậy không cần thiết phải bổ sung về nội dung “địa điểm kinh doanh”.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 1 Dự thảo.

Về nội dung thay đổi phải thông báo (khoản 8 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 10 Nghị định 47/2011/NĐ-CP), theo VCCI, Dự thảo quy định doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan cấp phép nếu thay đổi: “số điện thoại liên lạc của doanh nghiệp”. Điều này là chưa hợp lý bởi vì “Số điện thoại liên lạc của doanh nghiệp” có thể thay đổi nhiều lần, việc yêu cầu phải thực hiện thông báo sẽ làm gia tăng về thủ tục hành chính, gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đề nghị bỏ quy định này.

[Giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp bưu chính]

Ngoài ra, về thông báo thông tin giá cước dịch vụ bưu chính (khoản 16 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 15c Nghị định 47/2011/NĐ-CP), Dự thảo đã bổ sung quy định về thông báo thông tin giá cước dịch vụ bưu chính, theo đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính “có quyền rà soát nội dung thông báo thông tin giá cước doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thông báo bao gồm: ngày áp dụng giá cước, giá cước đã thông báo, sự phù hợp với quy định của pháp luật; lý do điều chỉnh giá cước” và “yêu cầu các doanh nghiệp đã thực hiện thông báo thông tin giá cước báo cáo về biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết; kiểm tra các yếu tố hình thành giá; giám sát, kiểm tra, thanh tra theo quy định pháp luật”.

việc Nhà nước quản lý giá của dịch vụ bưu chính dường như chưa thật phù hợp, can thiệp vào thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Việc Nhà nước quản lý giá của dịch vụ bưu chính dường như chưa thật phù hợp, can thiệp vào thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Theo VCCI, quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Luật Bưu chính thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm “quyết định giá cước dịch vụ bưu chính do doanh nghiệp cung ứng, trừ dịch vụ bưu chính thuộc danh mục do nhà nước có thẩm quyền quy định giá cước”.

Quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Giá thì hàng hóa, dịch vụ phải kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, thực hiện bình ổn giá.

Như vậy, theo các quy định trên thì áp dụng biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá chỉ áp dụng đối với các dịch vụ bưu chính thuộc danh mục do Nhà nước có thẩm quyền quy định giá cước chứ không phải là tất cả các dịch vụ bưu chính.

Mặt khác, theo báo cáo tại Tờ trình, đến hết năm 2020 thị trường bưu chính đã có gần 600 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cung cấp dịch vụ bưu chính. Năng lực cạnh tranh của bưu chính Việt Nam ngày càng cải thiện, đến năm 2021 Việt Nam đã vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU). Chưa kể, theo thống kê thì các doanh nghiệp khác ngoài doanh nghiệp bưu chính công ích của Nhà nước chiếm 70% thị phần thị trường bưu chính Việt Nam.

Từ đó, có thể thấy, thị trường bưu chính nước ta đang phát triển, với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp khối tư nhân, với thị trường cạnh tranh như hiện nay, việc Nhà nước quản lý giá của dịch vụ bưu chính dường như chưa thật phù hợp, can thiệp vào thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy, VCCI đề nghị sửa đổi quy định các biện pháp quản lý giá thiết kế tại Điều 15c chỉ áp dụng đối với “dịch vụ bưu chính thuộc danh mục do nhà nước có thẩm quyền quy định giá cước”, còn các dịch vụ bưu chính khác, doanh nghiệp được tự quyết định giá.

Về khuyến mại, giảm giá cước trong cung ứng dịch vụ bưu chính (khoản 18 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 15đ), Dự thảo bổ sung quy định về khuyến mại, giảm giá cước trong cung ứng dịch vụ bưu chính, theo VCCI, đây là quy định không cần thiết bởi các quy định tại Dự thảo đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xúc tiến thương mại, đề nghị bỏ quy định này.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định

    Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Cần bổ sung thêm quy định

    04:00, 05/11/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Bất cập về giá tính thuế

    Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Bất cập về giá tính thuế

    04:00, 04/11/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Một số điều chỉnh chưa hợp lý

    Dự thảo Nghị định về Luật Thuế GTGT: Một số điều chỉnh chưa hợp lý

    04:00, 03/11/2021

  • Dự thảo Nghị định về lĩnh vực giáo dục: Một số quy định còn thiếu hợp lý

    Dự thảo Nghị định về lĩnh vực giáo dục: Một số quy định còn thiếu hợp lý

    04:00, 30/10/2021

  • Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: 13 Hiệp hội gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng

    Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường: 13 Hiệp hội gửi “tâm thư” tới Bộ trưởng

    04:30, 24/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về Bưu chính còn chưa phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO