Với nền tảng tiêu dùng bán lẻ hàng đầu thị trường Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) tiếp tục được các dòng vốn ngoại “chọn mặt gửi vàng”.
>>>Một quỹ đầu tư tư nhân lớn dẫn đầu giao dịch góp 500 triệu USD vào Masan
Với nguồn vốn ngày càng dồi dào, MSN sẽ có điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
WinCommerce (WCM) và MCH- trụ cột kinh doanh của MSN, được Tập đoàn này tái cấu trúc, đã có những thay đổi đem lại tín hiệu khả quan dù khó khăn từ nền kinh tế. Mặc dù sức mua ảnh hưởng lớn đến ngành bán lẻ, tiêu dùng, nhưng doanh thu của WCM ghi nhận mức tăng 2,5% trong quý 2/2023. WCM duy trì kết quả kinh doanh nhờ việc cải thiện doanh thu các cửa hàng cũ, mở thêm được các cửa hàng mới và tái cơ cấu các mô hình cửa hàng với nhu cầu từng khu vực.
Theo đó, tăng trưởng doanh thu trên cửa hàng cũ được cải thiện từ âm lên mức 4,0% trong tháng 8/2023. Những tín hiệu này cho thấy nhu cầu thị trường đang dần phục hồi và WCM đã tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn.
Có thể nói, việc liên tục mở mới và cải tạo cửa hàng ngay cả trong thời kỳ kinh tế giảm tốc cho thấy sự táo bạo của MSN, chuẩn bị để đón đầu phục hồi của nền kinh tế.
MCH là trụ cột kinh doanh của thứ 2 của MSN cũng tiếp tục được tái cấu trúc, hưởng lợi từ hệ thống phân phối của WCM. Nhờ lợi thế độ phủ lớn của hệ thống cửa hàng của WCM, các công ty khác trong hệ sinh thái nói chung và MCH nói riêng đều hỗ trợ kinh doanh lẫn nhau.
>>>WinCommerce đẩy mạnh mở mới chuỗi bán lẻ tại cả nông thôn và thành thị
Kết thúc quý 2/2023, MCH ghi nhận mức tăng trưởng 13,0% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của MCH mở rộng và đạt 45,0%, do chi phí nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt giá. Hệ thống phân phối rộng lớn của WCM giúp các sản phẩm của MCH được phân phối hiệu quả…
Có thể nói, nhờ tái cấu trúc 2 công ty con, Tập đoàn đã không bị lỗ trong quý 2/2023. MSN hứa hẹn sẽ “về đích” mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Mới đây, MSN đã thương thảo với Bain Capital – Quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD, đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng.
Cụ thể, giao dịch này là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức, được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định lên đến 10%/năm. MSN ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.
200 triệu USD là tổng số vốn đầu tư tối thiểu mà Bain Capital sẽ rót vào Công ty CP Tập đoàn Masan
Được biết, số tiền thu được từ giao dịch này sẽ được dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của Tập đoàn.
Các nhà đầu tư khác cũng đang mong muốn đàm phán với MSN, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của đơn vị này cũng như điều kiện thị trường, MSN có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Theo ghi nhận, với động thái rót vốn của Bain Capital, thanh khoản của MSN sẽ ngày càng dồi dào, giúp đơn vị này hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng dài hạn. MSN sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp vốn cổ phần chiến lược khác, trong đó bao gồm giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA bền vững dưới mức 3,5x một cách ổn định lâu dài.
Có thể bạn quan tâm