Mua lại mảng di động đang bết bát của LG, Vingroup có mạo hiểm?

KHÁNH HÀ 25/01/2021 11:40

Kinh doanh sa sút, thị phần của LG trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu hiện tại được ước tính từ 1% - 2% vậy cơ hội với Vingroup sẽ ra sao nếu mua lại mảng di động của hãng này?

Tuần qua, Tập đoàn Điện tử LG (LG Electronics) của Hàn Quốc thông báo rằng họ đang để ngỏ mọi khả năng đối với tương lai của mảng kinh doanh di động, trước bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin cho rằng công ty có thể bán mảng hoạt động đang gặp khó khăn này. Đối tác tiềm năng nhất để mua lại không ai khác chính là Tập đoàn Vingroup của Việt Nam.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, mảng kinh doanh di động của LG chìm trong thua lỗ kể từ quý 2/2015, lỗ lũy kế đã lên tới gần 4,5 tỷ USD vào năm ngoái.

Park Hyung-wou, nhà phân tích của Shinhan Financial Investment cho biết: "Chúng ta phải xem quyết định cuối cùng từ LG, nhưng rõ ràng là công ty đang hướng tới việc giảm lỗ từ mảng kinh doanh di động. Đây là một yếu tố đã kéo giá trị của công ty đi xuống".

Trong những ngày gần đây, các công ty môi giới Hàn Quốc đã tăng giá mục tiêu của LG. "Nếu LG quyết định rút khỏi mảng di động, tác động của nó đối với giá trị của công ty sẽ lớn hơn những con số trên giấy", Ko Eui-young, phân tích của Hi Investment Securities cho biết.

"Bộ phận MC là yếu tố giảm giá trị của LG vì nó giảm độ tin cậy của ước tính dòng tiền của công ty với chi phí một lần thường xuyên và dẫn đến việc phân bổ nguồn lực công ty không hiệu quả".

Trong những năm gần đây, LG đã nỗ lực tạo bước ngoặt trong lĩnh vực kinh doanh di động, chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam, đồng thời mở rộng các hợp đồng gia công.

Các nhà phân tích ước tính 60% điện thoại của LG hiện được sản xuất thông qua các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM).

Để thúc đẩy doanh số bán điện thoại thông minh cao cấp của mình, năm ngoái LG đã tung ra dự án Explorer với dòng điện thoại mới kiểu dáng khác biệt. Công ty tung ra Wing, điện thoại thông minh màn hình kép với kiểu dáng xoay. Trong năm nay, LG đã lên kế hoạch ra mắt điện thoại thông minh có màn hình OLED có khả năng cuộn lại.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực như vậy là không đủ để LG lật ngược thế cờ khi họ bị Samsung Electronics và Apple làm lu mờ ở phân khúc cao cấp, trong khi các thương hiệu Trung Quốc thống lĩnh thị trường giá rẻ. Thị phần của LG trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu hiện tại được ước tính từ 1% - 2%.

Ko Jung-woo, phân tích của NH Investment Securities cho biết: "Thị trường điện thoại thông minh không còn ở thời đại mọi công ty đều có thể phát triển. LG có ít khả năng tăng trưởng tiềm năng hơn so với trước đây". Các nhà phân tích dự đoán động thái đầu tiên của LG sẽ là thu hẹp mảng kinh doanh di động.

Je Jong-wook, phân tích của Samsung Securities cho biết: "Xem xét các hợp đồng gia công và hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ di động, LG sẽ khó rút lui khỏi mảng kinh doanh di động trong một sớm một chiều. Thu hẹp sẽ giúp cho công ty này dễ bán hơn nếu họ muốn".

LG cũng có thể chuyển trọng tâm kinh doanh di động của mình sang ODM và điện thoại bình dân, nhưng các nhà quan sát trong ngành cho rằng chiến lược như vậy rủi ro vì nó có thể làm hỏng hình ảnh thương hiệu cao cấp của LG trên thị trường TV và thiết bị gia dụng.

Nhìn vào những con số này liệu Vingroup có quá mạo hiểm?

Về phía Vingroup, sau khi tuyên bố rút khỏi 1 số mảng để tập trung cho mảng công nghệ và công nghiệp, trong đó có việc xây dựng mảng công nghệ với thương hiệu Vinsmart.

VinSmart đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 tại Việt Nam, sau Samsung Electronics và Oppo. Nếu mua lại mảng kinh doanh điện thoại từ LG Electronics, họ có thể tạo ra một bước nhảy vọt đáng kể. Danh tiếng, công nghệ hiện đại và mạng lưới bán hàng của LG có thể mang lại sự đổi mới cho Vingroup, Business Korea nhận định.

60% điện thoại LG hiện được sản xuất thông qua các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM).

60% điện thoại LG hiện được sản xuất thông qua các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM).

Vingroup muốn tiếp quản bộ phận kinh doanh điện thoại LG tại Mỹ. Đây là con đường giúp họ nhanh chóng tiến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2020, LG vẫn chiếm 12,9% thị phần tại đây.

Còn với LC, việc bán lại mảng di động sẽ giúp tập đoàn này cải thiện giá trị doanh nghiệp của mình bằng cách tái cấu trúc mảng kinh doanh di động đang thua lỗ, Telengana Today đưa tin.

"Gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc có thể tập trung tốt hơn vào các động lực tăng trưởng trong tương lai - kỷ nguyên hậu đại dịch COVID-19, bằng cách tái cấu trúc mạnh mẽ mảng kinh doanh di động, chuyên gia nhận định.

"Chúng tôi nghĩ rằng thông báo của LG có nghĩa là họ sẽ đóng cửa hoặc bán hay ít nhất là thu hẹp quy mô kinh doanh di động của mình", ông Cho Chul-hee, một nhà phân tích tại Korea Investment & Securities, cho biết.

Giới phân tích tin rằng, quyết định tái cấu trúc mảng kinh doanh di động của LG là một bước đi tích cực đối với các cổ đông, bởi động thái này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của công ty đi lên và cuối cùng làm tăng giá trị của nó.

Bình luận về thông tin LG bán lại mảng kinh doanh smartphone ở khu vực Bắc Mỹ cho một tập đoàn của Việt Nam, trên trang cá nhân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng đây là bước đi đúng đắn của LG. Bởi tập đoàn của Hàn Quốc này chỉ bán các cơ sở sản xuất, tức là các nhà máy, nhưng giữ lại mảng R&D và thiết kế smartphone, chứ không phải là không còn tham vào mảng smartphone như nhiều người nghĩ.

"Smartphone là sản phẩm tinh hoa của công nghệ, hội tụ các công nghệ đỉnh cao. Nhà sản xuất smartphone làm chủ các công nghệ từ thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử đến thiết kế phần mềm. Những công nghệ này sẽ giúp các nhà sản xuất smartphone luôn trong top đầu các công ty trên thế giới về công nghệ", CEO Bkav cho hay.

Cũng theo ông Quảng, từ các công nghệ của smartphone, nhà sản xuất có thể làm ra nhiều loại sản phẩm công nghệ khác, mà các công ty bình thường không thể làm tốt được. Vị này lấy ví dụ ngay tại Bkav, nhờ mảng smartphone Bkav mới có thể là "một trong những nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công camera với AI tích hợp sẵn AI View".

Ông Nguyễn Tử Quảng còn nhìn nhận rằng LG là một công ty có hệ sinh thái sản phẩm công nghệ phong phú, nếu bỏ smartphone là "tự hủy hoại năng lực công nghệ của mình. Do đó họ chỉ bán các nhà máy sản xuất, giữ lại các bộ phận cốt lõi là R&D và thiết kế là điều dễ hiểu".

Và, sau khi bán các nhà máy, LG sẽ hoạt động theo mô hình giống như Bkav và hầu hết các nhà sản xuất smartphone khác trên thế giới, như Apple, Sony, Huawei. Tức là hãng sẽ nghiên cứu, thiết kế và chuyển các bản thiết kế cho các nhà máy chuyên sản xuất để thuê họ gia công.

"Trong chuỗi giá trị làm ra một chiếc smartphone, giá trị gia tăng lớn nhất ở các công đoạn thiết kế kiểu dáng, cơ khí, điện tử và phần mềm và nó cũng quyết định sự khác biệt, chất lượng của sản phẩm. Công đoạn sản xuất có giá trị thấp nhất. Ví dụ một chiếc smartphone có giá 10 triệu đồng thì công đoạn này chỉ chiếm khoảng 200 nghìn đồng", lãnh đạo Bkav tiếp tục nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bản tin 60s ngày 21/01: VinGroup muốn mua lại mảng thiết bị di động của LG Electronics

    Bản tin 60s ngày 21/01: VinGroup muốn mua lại mảng thiết bị di động của LG Electronics

    11:00, 21/01/2021

  • Vì sao LG chọn Đà Nẵng làm 'cứ điểm' để thành lập trung tâm R&D?

    Vì sao LG chọn Đà Nẵng làm 'cứ điểm' để thành lập trung tâm R&D?

    11:30, 06/10/2020

  • Vingroup công bố giải thưởng toàn cầu Vinfuture

    Vingroup công bố giải thưởng toàn cầu Vinfuture

    07:30, 20/12/2020

  • Khóa xác thực mạnh của Vingroup được Microsoft khuyến nghị sử dụng

    Khóa xác thực mạnh của Vingroup được Microsoft khuyến nghị sử dụng

    15:16, 07/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mua lại mảng di động đang bết bát của LG, Vingroup có mạo hiểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO