Mỹ áp thuế “khủng” với thép Việt: Lo ngại nhiều mặt hàng tiếp theo bị áp thuế

Huyền trang 05/07/2019 06:06

Nhiều chuyên gia lo ngại, sau thép, có thể nhiều mặt hàng tiếp theo sẽ cũng sẽ bị Mỹ áp thuế.

Nghi vấn một số loại thép của Việt Nam né thuế bằng cách sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định áp hơn 456% mức thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Phan Ngọc Tâm, Đại học Luật TP HCM, Giám đốc điều hành Công ty luật Tín & Tâm.

-Ông có đánh giá như thế nào về quyết định này của Mỹ? Thật ra, trước đó, Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về việc Việt Nam lạm dụng thương mại với Mỹ, quyết định lần này có khiến ông ngạc nhiên?

Tôi cho rằng động thái này của Chính phủ Hoa Kỳ là khá mạnh tay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa mới có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên với việc tuyên bố áp dụng chính sách thuế mới này của Chính phủ Hoa Kỳ, bởi vì họ đã từng có những cảnh báo liên quan trong thời gian gần đây. Cần lưu ý rằng trong những vấn đề liên quan đến chính sách thương mại mà Hoa Kỳ đang tranh chấp với Trung Quốc có khá nhiều vấn đề Việt Nam cũng có liên quan trong chừng mức nhất định.

Do vậy, việc Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng biện pháp “trừng phạt” đối với mặt hàng thép của Việt Nam nói riêng và các lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu khác của Việt Nam nói chung là hoàn toàn có thể dự đoán được.

-Theo ông, quyết định này sẽ tác động như thế nào tới doanh nghiệp Việt, thưa ông?

Rõ ràng là quyết định áp hơn 400% mức thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam là một quyết định khá mạnh tay, và chắc chắn tác động của nó đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng thép nói riêng là rất lớn. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thép của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ. Với chính sách mới này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đau đầu tìm kiếm phương án và thị trường thay thế cũng như phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Điều này rõ ràng là không hề dễ dàng, đặc biệt với mặt hàng có ít tính ổn định về mặt thì trường như thép.

-Trong bối cảnh vòng xoáy các vụ kiện thương mại đang diễn ra căng thẳng trên khắp toàn cầu, nhiều người lo ngại, thép sẽ chỉ là mặt hàng đầu tiên hứng bị áp thuế. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng nhận định này là hoàn toàn có cơ sở. Những biến động và sự bất ổn trong việc ban hành và thực thi các chính sách thương mại của các quốc gia hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực và liên quan đến nhiều ngành hang khác nhau. Thép có thể chỉ là mặt hàng đầu tiên hứng chịu đòn trừng phạt này, tiếp theo sẽ có thể còn nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng sẽ chịu chung số phận.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về việc Mỹ áp thuế hơn 400% thép Việt?

    Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về việc Mỹ áp thuế hơn 400% thép Việt?

    15:35, 04/07/2019

  • Cục phòng vệ thương mại lên tiếng về thông tin Mỹ áp thuế 456% với thép Việt

    Cục phòng vệ thương mại lên tiếng về thông tin Mỹ áp thuế 456% với thép Việt

    22:05, 03/07/2019

-Là người thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, ông đánh giá như thế nào về năng lực của doanh nghiệp Việt trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại?

Qua quá trình làm việc với nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp Việt hiện nay đã bắt đầu quan tâm và cách nhìn tích cực và chủ động hơn đối với những thay đổi của chính sách và pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Tuy nhiên, những cố gắng của doanh nghiệp ở khía cạnh này vẫn còn mang tính đối phó đơn lẻ và tư phát hơn là những hành động có tính chất chiến lược, bài bản.

Và rõ ràng, những sự cố gắng như thế của doanh nghiệp là không đủ để có thể đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro hay hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp trước những rủi ro chính sách như hiện nay.

-Thật ra, chúng ta không thể tránh được các vụ kiện phòng vệ thương mại (ở cả hai chiều). Vậy ông có lời khuyên gì cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp, thưa ông?

Như tôi đã trao đổi, những biến động chính sách và những rủi ro kèm theo là hoàn toàn có thể dự báo và đánh giá trước. Rõ ràng là chúng ta không thể tránh được các rủi ro này, nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng và sự thận trọng cần thiết, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro và thiệt hại đến mức thấp nhất.

Theo tôi, để đối phó với những rủi ro chính sách tương tự như cục diện mà ngành xuất khẩu thép đang đối mặt hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp căn cơ và đồng bộ. Cụ thể, thứ nhất, công tác thông tin và cảnh báo phải thật sự được thực hiện một cách mạnh mẽ, xuyên suốt, chủ động và tích cực.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cần có những động thái tích cực và mạnh mẽ phù hợp với các cam kết quốc tế trước việc ban hành và áp dụng các chính sách thương mại 1 chiều của các quốc gia khác mà chúng có thể gây ảnh hưởng hay tác động tiêu cực đến doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thứ ba, về phía doanh nghiệp Việt Nam, sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức về các chính sách thương mại quốc tế là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần có sự đầu tư đúng đắn trong việc tiếp cận tìm hiểu chính sách thương mại ở các thị trường liên quan, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các luật sư… để giải quyết một cách hiệu quả nhất các vấn đề có thể phát sinh liên quan đến sự thay đổi hay biến động trong việc bán hành và thực thi các chính sách thương mại của các nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ áp thuế “khủng” với thép Việt: Lo ngại nhiều mặt hàng tiếp theo bị áp thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO