Liên minh châu Âu và Mỹ đã đồng ý tránh một cuộc chiến thương mại và làm việc cùng nhau để đối phó với Trung Quốc.
Với tuyên bố “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do Mỹ lãnh đạo nhằm đối đầu Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Donald Trump dường như đang đi vào trọng tâm: Cô lập Trung Quốc về kinh tế và ngoại giao.
Chỉ một tuần trước, có vẻ như chính sách đối ngoại của Trump, mặc dù bất lợi cho Trung Quốc, nhưng cũng tạo cơ hội cho Bắc Kinh cải thiện quan hệ với những quốc gia khác hứng chịu sự giận dữ của Washington.
Có thể bạn quan tâm
04:20, 01/08/2018
10:39, 26/07/2018
10:25, 24/07/2018
"Việc Trump chỉ trích gay gắt Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và từ bỏ hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cho thấy khả năng cho một trật tự thế giới mới.", Ayham Kamel - Giám đốc khu vực Trung Á và Bắc Phi của Eurasia Group nhận định.
Giới quan sát cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Trump dường như để tái thiết lập sự thống trị của Mỹ đối với châu Âu, với những hứa hẹn của châu Âu để cải thiện thương mại, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và chống lại Trung Quốc tượng trưng cho những chiến thắng đầu tiên. Bước đi này cũng diễn ra song song với việc Trump thân thiện hơn với Nga và Triều Tiên.
Một chiến lược hiệu quả có thể tạo sức sống mới cho kế hoạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để lôi kéo Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tạo thành một liên minh ngăn chặn Trung Quốc, đặc biệt là khi kết hợp với Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong lúc đó, Trump đã cho thấy ông sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc khi Bắc Kinh bước vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% và dần dần cắt giảm núi nợ khổng lồ và giảm sự lệ thuộc vào nợ.
Thay vì cô lập Mỹ hay trợ giúp Nga, mục tiêu chính của Tổng thống Trump là cô lập Trung Quốc.
Thật vậy, Mỹ đưa ra một quan điểm mơ hồ về việc sáp nhập Crimea của Nga nhằm trao đổi sự mơ hồ đó, cộng với Syria, đổi lấy một lập trường cứng rắn của Nga đối với Iran, với tính toán rằng lợi ích của Nga sẽ được tăng cường ở Syria trong khi lợi ích của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi Tehran.
Tuy nhiên, nhìn về lịch sử, hai chiến lược cô lập gần nhất đều đã thất bại. Chiến lược đầu tiên bắt đầu vào năm 1999 khi Mỹ bao vây Trung Quốc một cách hiệu quả với tài sản ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và vùng biển. Trung Quốc đã phản ứng bằng những nỗ lực ngoại giao với Nga thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho các nước Trung Á để trục xuất các căn cứ của Mỹ, và hỗ trợ các nỗ lực này bằng BRI và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Trung Quốc cũng bắt tay vào cải cách quân sự và đầu tư vũ khí, cải tiến lực lượng, sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, có khả năng tấn công các nhóm tàu sân bay Mỹ và ngăn chặn máy bay tấn công phủ đầu.
Chiến lược thứ hai là “xoay trục” sang châu Á – tìm kiếm liên minh với các nước láng giềng của Trung Quốc và triển khai tàu ngầm Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc để giám sát hoạt động hải quân và thực hiện phong tỏa nếu cần thiết. Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ này cũng thất bại vì một cuộc tấn công hạt nhân hoặc thậm chí phong tỏa là vô lý, và vì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, BRI, các thỏa thuận năng lượng với Moscow và Tehran và sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Một chiến lược ngăn chặn mới, táo bạo hơn cũng không có gì đảm bảo sẽ thành công.
Ngoài gánh nặng có khả năng biến Trung Quốc trở thành kẻ thù số 1, Trump còn phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm tốc độ tăng trưởng đáng ngờ của Mỹ trong bối cảnh cắt giảm thuế và các đơn đặt hàng khổng lồ trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.
Hơn nữa, mặc dù nhiều nước trên thế giới chưa sẵn sàng cho một Trung Quốc siêu cường, cũng đang có sự mệt mỏi trên toàn cầu với chủ nghĩa đế quốc, sự thống trị và tiêu chuẩn kép của Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa pháp lý nghiêm trọng và một phe đối lập quyết tâm đánh bại ông vào các cuộc bầu cử giữa kỳ hoặc trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
Tuy nhiên, có hay không có Trump, chiến lược này có thể sẽ tồn tại lâu hơn ông nếu nó có hiệu quả. Và tại Bắc Kinh đã có những cuộc thảo luận về cách thay đổi chiến thuật và đưa ra những nhượng bộ tạm thời mà không bị mất mặt.