Việc Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chọn Nhật Bản và Hàn Quốc cho chuyến công du đầu tiên cho thấy tầm quan trọng của châu Á trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong cuộc gọi với các phóng viên, Sung Y. Kim, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết chuyến công du này nhấn mạnh yếu tố ngoại giao đang trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Đồng thời, nỗ lực siết chặt lại mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh truyền thống tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Austin III sẽ gặp gỡ những người đồng cấp ở cả hai nước để thảo luận về các mối quan tâm chung trong khu vực và toàn cầu như cách thức chống lại COVID-19 và các bước cần phải thực hiện để chống lại biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và các vấn đề đối phó với Triều Tiên cũng là một trong những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận. "Việc tăng cường hợp tác giữa Washington với Tokyo và Seoul là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Kim nhấn mạnh.
Có thể thấy, Mỹ đang đẩy nhanh việc củng cố lại cam kết đối với các đồng minh chiến lược tại châu Á sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo thuộc Bộ tứ kim cương. Đặc biệt, với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng, Mỹ đang gửi thông điệp rằng, quốc gia này sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự tại châu Á trong tương lai.
Theo Sameer Lalwani, chuyên gia tại Trung tâm Stimon, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn là khu vực ưu tiên chiến lược của Bộ Quốc phòng Mỹ, và sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ bên cạnh mục tiêu duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, mà còn nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, ông chỉ ra, dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump, vai trò hỗ trợ của Mỹ đã suy giảm đáng kể. Trong khi đó, sức ép từ Trung Quốc ngày càng gia tăng và mối đe dọa trực tiếp từ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cũng dần trở nên rõ ràng hơn.
“Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Biden đã xác định, việc thắt chặt hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc là bước đi cần thiết để răn đe Trung Quốc và Triều Tiên”, ông nhận định.
Mặc dù mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử do những bất đồng về các vấn đề trong quá khứ. Tuy nhiên, sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, cả hai nước đều đã có những bước đi tích cực để hàn gắn lại quan hệ ngoại giao. Chính vì vậy, giới quan sát nhận định, chuyến đi sắp tới của hai quan chức Mỹ sẽ đạt được nhiều bước tiến quan trọng.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, chừng nào Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn bận tâm đến các vấn đề song phương, thì Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn để tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh cần thiết.
Trước mắt, theo Yasuyo Sakata, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, Nhật Bản đánh giá, Mỹ nên ủng hộ cách tiếp cận tách các vấn đề lịch sử ra khỏi các vấn đề khác và khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc cùng hướng tới một giải pháp chung.
Đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự liên kết trên khía cạnh kinh tế, đặc biệt là an ninh kinh tế trong lĩnh vực công nghệ số là điều cần thiết. Hàng rào kiểm soát xuất khẩu giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành một trở ngại cho việc đối thoại và hợp tác kinh tế chiến lược.
“Hoa Kỳ nên đẩy mạnh các cuộc đối thoại kinh tế khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc vượt qua vấn đề kiểm soát xuất khẩu và xem xét khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như đưa các hiệp định kinh tế song phương vào chương trình nghị sự”, ông Sakata cho biết.
Các liên minh song phương Hoa Kỳ-Nhật Bản và Hoa Kỳ-Hàn Quốc, cùng với hợp tác ba bên Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc là mỏ neo để duy trì an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. Nhưng sự suy thoái trong quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Hàn Quốc đã làm suy yếu mối quan hệ hợp tác giữa các liên minh. Chính quyền Biden có thể đóng một vai trò quan trọng trong thời điểm này để khôi phục quan hệ hợp tác chiến lược Nhật Bản-Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Xiaomi thoát lệnh “phong tỏa” của Bộ Quốc phòng Mỹ
14:30, 14/03/2021
Mỹ thắt chặt hợp tác cùng đồng minh đối phó với Trung Quốc
05:17, 14/03/2021
Mỹ tìm cách siết chặt Facebook, Google
05:26, 12/03/2021
Mỹ- EU “liên thủ” công nghệ chống Trung Quốc
05:00, 07/03/2021
Mỹ toan tính gì khi tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc?
11:30, 05/03/2021