Ngày 6/7 vừa qua, thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của nước này - vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đẩy cao thâm hụt thương mại một cách không công bằng. Chỉ vài phút sau, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố họ buộc phải trả đũa. Điều này có nghĩa 34 tỷ USD hàng Mỹ vào Trung Quốc, từ ôtô đến nông phẩm, cũng sẽ phải chịu mức thuế tương tự là 25%.
Cuộc xung đột thực sự
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nổ phát súng lớn nhất trong cuộc xung đột thương mại toàn cầu bằng cách áp đặt thuế quan trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy hiểm bởi những hành động trả đũa lẫn nhau.
Trên đường tới Montana, Tổng thống Donald Trump đã nói với các phóng viên cùng có mặt trên chiếc Air Force One rằng thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực sau nửa đêm 5/7 theo giờ Mỹ. 16 tỷ USD hàng hóa khác sẽ bị đánh thuế sau 2 tuần nữa.
Thậm chí, ông Trump còn nói rằng cuối cùng tổng số hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên đến 550 tỷ USD, lớn hơn cả lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.
Vào 0h01 sáng ngày 6/7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 25% đối với loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau nhiều tháng buộc tội Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng phình to.
Có thể bạn quan tâm
04:32, 16/06/2018
08:30, 16/06/2018
16:04, 06/04/2018
07:04, 28/03/2018
05:44, 27/03/2018
15:21, 11/10/2017
Những “tiếng súng” đáp trả từ Bắc Kinh
Mặc cho những tín hiệu cảnh báo phát đi từ Nhà Trắng, Trung Quốc trước đó tuyên bố họ sẽ không phải người “khai màn” cho một cuộc chiến, nhưng cho biết quốc gia này sẽ có những động thái đáp trả ngay khi Mỹ áp thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc. Và chỉ hai giờ sau khi khoản thuế suất của Mỹ đi vào hiệu lực, Trung Quốc đã ban hành chính sách thuế quan mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ gia tăng thuế đối với giá trị hàng hóa tương đương nhưng chú trọng hơn vào các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm về mặt chính trị.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nhấn mạnh rằng, nước Mỹ đã khởi động cuộc xung đột thương mại này. Chúng tôi không muốn chiến đấu, nhưng để bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài chiến đấu. "Mức thuế mới của Mỹ sẽ tấn công vào các chuỗi cung ứng giá trị quốc tế, bao gồm cả những công ty nước ngoài tại Trung Quốc", ông Feng cho biết.
Theo ông Feng, nếu Mỹ áp dụng thuế quan, họ sẽ thực sự nâng thuế với các công ty đến từ tất cả quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ. Các biện pháp của Mỹ sẽ tấn công vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Nói một cách đơn giản, Mỹ đang nổ súng vào toàn bộ thế giới, bao gồm cả chính quốc gia này.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde đã lên tiếng báo động về những hành động trả đũa kéo dài, cho rằng điều này chỉ tạo ra "những kẻ thua cuộc ở cả hai bên".
Cả thế giới có “chao đảo” theo cuộc chiến?
Cuộc xung đột thương mại của hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này dự kiến sẽ gây một cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Theo Bloomberg, mức độ thiệt hại của nền kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc vào mức độ xung đột của hai ông lớn. Nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, những tác động của nó đối với nền kinh tế thế giới sẽ rất khiêm tốn.
Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ khả năng tình hình này trở nên xấu đi. Các nhà kinh tế hẳn không thể quên những bài học đầu tiên rằng các xung đột thương mại luôn gây nhiều tổn thất. Những ký ức về Đạo luật áp thuế nhập khẩu Smoot-Hawley hồi năm 1930 với việc cho phép Mỹ đánh thuế trên 20.000 mặt hàng nhập khẩu vẫn chưa phai mờ.
Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy khi thuế nhập khẩu được áp đặt, thì chi phí thương mại xuyên biên giới gia tăng rõ ràng sẽ làm giảm lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trên toàn cầu xét trên tương quan với sản lượng. Và điều này sẽ dẫn tới những được và mất trong dài hạn. Vào năm 2016, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF, ông Maurice Obstfeld đã dự đoán rằng, nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Đông Á, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.
Nếu dự báo này là đúng thì các biện pháp thương mại của ông Trump có thể ví như “gậy ông đập lưng ông” và gây tác động bất lợi lên chính kinh tế Mỹ.