Mới đây, Chính quyền Mỹ đã đưa thêm 14 công ty của Trung Quốc và những thực thể khác vào danh sách đen chịu trừng phạt kinh tế.
Được biết, đây là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình. Cụ thể, một số thực thể Trung Quốc bị đưa vào danh sách trừng phạt của Washington bao gồm Học viện Điện tử và Công nghệ Thông tin Trung Quốc; Công ty Công nghệ Viễn thông Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty Công nghệ Thông tin (CNTT) Hữu nghị Thâm Quyến; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua'anta và Công ty Bảo mật Chengdu Xiwu.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu đối với 5 công ty của Trung Quốc. Theo quan điểm của cơ quan này, các công ty bị đưa vào danh sách đen bởi có liên quan đến một số hoạt động giám sát nhóm dân tộc thiểu số tại Trung Quốc ở Tân Cương mà theo phía Mỹ là không phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm, tổng cộng họ đã bổ sung 34 thực thể, bao gồm 20 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đến từ Nga, Iran, và 5 thực thể khác được cho là có hỗ trợ trực tiếp các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc liên quan đến laser và hệ thống quản lý chiến đấu.
Danh sách này cũng bao gồm 8 tổ chức hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng của Mỹ sang Iran và 6 tổ chức bị cáo buộc sử dụng linh kiện điện tử từ Mỹ để thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Nga.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố: “Bộ Thương mại Mỹ cam kết có những biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ với những đối tượng có các hành vi không phù hợp, sử dụng công nghệ Mỹ vào những mục đích không đúng đắn của Trung Quốc”.
Các công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen sẽ phải qua cửa của Bộ Thương mại Mỹ và trải qua sự kiểm tra gắt gao khi họ xin giấy phép mua hàng hóa, vật dụng từ nhà cung ứng Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến cáo buộc về hoạt động giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.
Vào năm 2019, chính quyền Cựu Tổng thống Donald Trump đã thêm một số công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách đen do những cáo buộc liên quan đến nhóm người dân tộc thiểu số Hồi giáo.
Trong một vài tháng trở lại đây, Tân Cương đã trở thành một vấn đề gây căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tháng 4/2021, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hối thúc doanh nghiệp Mỹ không làm ăn kinh doanh tại Tân Cương. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này phạm tội diệt chủng và vi phạm nhân quyền ở khu vực này, đồng thời lên án Mỹ tìm cách can thiệp vấn đề nội bộ.
Theo Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cho biết, việc Washinton bổ sung thêm các doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách đen sẽ làm quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn. “Thật không may, tình hình đang xấu đi. Tổng thống Joe Biden đang ngày càng thể hiện rõ ràng quan điểm cứng rắn của ông trong những chính sách liên quan đến Bắc Kinh,” ông nói thêm.
Đồng quan điểm, Lu Xiang, chuyên gia về các vấn đề với Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định, "Mỹ đang thách thức Trung Quốc về Hong Kong và Tân Cương, những vấn đề mà Bắc Kinh coi là thử thách giới hạn cuối cùng của họ. Nếu các động thái này tiếp tục gia tăng, Bắc Kinh sẽ ưu tiên bảo vệ các chính sách của mình ở Tân Cương và Hong Kong. Chừng nào Mỹ còn quan tâm đến những vấn đề này, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp đáp trả.”
Chính vì vậy, trong tương lai, điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai nếu Bắc Kinh tung ra các đòn trả đũa. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cùng với việc tiếp cận và mở rộng đầu tư vào Trung Quốc gặp khó khăn sẽ làm các doanh nghiệp khó có thể khôi phục lại như thời điểm trước đại dịch.
Có thể bạn quan tâm