Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

CẨM ANH 24/02/2021 15:31

Việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 về Biển Đông đã ngày càng khẳng định thái độ cứng rắn của Mỹ trong vấn đề này.

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trong cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông ngày 9/2. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz trong cuộc tập trận chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông ngày 9/2. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne, trong cuộc điện đàm với đồng cấp người Philippines Hermogenes Esperon, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tái khẳng định quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden công nhận phán quyết của PCA chiểu theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý. 

Ngày 12/7/2016, PCA ra phán quyết quan trọng liên quan đến vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Theo PCA, yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với UNCLOS, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là "đường 9 đoạn". 

Những tuyên bố này đã củng cố thêm thái độ cứng rắn của chính quyền Mỹ trong vấn đề biển Đông. Trước đó, Mỹ đã chỉ trích luật hải cảnh mới của Trung Quốc - vốn cho phép lực lượng hải cảnh nước này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Đồng thời, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ là USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 9/2 vừa qua.

Theo các chuyên gia nhận định, trước đây, Mỹ chủ yếu nhấn mạnh chính sách tại biển Đông bằng lời nói. Nhưng từ thời chính quyền Trump, Washington đã thúc đẩy chính sách này rõ ràng hơn nhiều với các hành động cụ thể.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc

Như Yongwook Ryu, trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore phân tích, chính quyền Tổng thống Biden đang gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng, không có nhiều hy vọng Mỹ sẽ có chính sách ôn hòa hơn ở Biển Đông.

Trước đây, chính quyền Trump và Obama thực hiện các cuộc tuần tra trên biển Đông thường xuyên để thách thức yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy Washington sẽ thúc đẩy việc can dự sâu hơn vào khu vực, cũng như xây dựng liên minh ở Đông Nam Á để cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên biển Đông.

“Chính quyền Biden không thể cho thấy sự yếu kém trong chính sách đối ngoại. Do đó, họ sẽ không mềm mỏng đối với Trung Quốc trong một số vấn đề, bao gồm tranh chấp Biển Đông, mặc dù họ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề khác như biến đổi khí hậu” chuyên gia này nhấn mạnh.

Mỹ đã nhận thức được trong những năm qua, Trung Quốc đã ngày càng trở nên quyết đoán hơn ở nước ngoài. Và việc Bắc Kinh liên tục thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của Mỹ đã đòi hỏi chính quyền Biden có một cách tiếp cận mới.

Nhưng về cơ bản, chính quyền Tổng thống Biden vẫn sẽ duy trì lối tiếp cận Bắc Kinh với sự kiên nhẫn khi họ tiếp tục xem xét lại một số chính sách về Trung Quốc được đưa ra dưới thời Cựu Tổng thống Trump, với sự tham vấn của các đồng minh.

Nhưng các tín hiệu từ cả Bắc Kinh và Washington đều cho thấy mối quan hệ sẽ tiếp tục căng thẳng. Bước tiếp theo mà các đối tác và đồng minh của Washington cần thực hiện là các tuyên bố cần chuyển biến thành hành động cụ thể.

Một số nhà phân tích kỳ vọng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra và củng cố quan hệ với các quốc gia ven biển, để có thể làm gián đoạn các nỗ lực nối lại hoạt động khai thác năng lượng ở vùng biển mà nước này cho là của mình. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Qủa bom hẹn giờ” trên Biển Đông

    “Qủa bom hẹn giờ” trên Biển Đông

    05:30, 22/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 2)

    Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 2)

    05:30, 19/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 1)

    Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 1)

    10:00, 18/02/2021

  • Việt Nam có thể làm gì ở Biển Đông?

    Việt Nam có thể làm gì ở Biển Đông?

    06:32, 05/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO