Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ định hình và tăng tốc cách thức phát triển máy bay chiến đấu trong tương lai có thể thúc đẩy mạnh Trung Quốc thực kế hoạch cho các máy bay thế hệ tiếp theo.
Theo SCMP đưa tin, các nhà sản xuất máy bay Trung Quốc đang theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến chương trình Chiến đấu cơ thế hệ mới thống lĩnh trên không (NGAD).
Nếu được triển khai, NGAD sẽ tạo ra một mạng lưới máy bay chiến đấu sử dụng hệ thống cảm biến và vũ khí tiên tiến, với máy bay phản lực phối hợp cùng máy bay không người lái để cùng nhau chiến đấu, chứ không giới hạn ở một nền tảng hoặc công nghệ vũ khí đơn lẻ.
Nguồn tin của SCMP cho biết thêm, Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch phát triển một loại máy bay thế hệ tiếp theo, nhưng cho đến nay chỉ dành riêng cho lực lượng không quân chứ không phải cho hải quân.
Trước đó, Mỹ đã công bố hai chương trình vũ khí thế hệ mới, bao gồm NGAD cho không quân và F/A-XX cho hải quân, một kế hoạch dài hạn nhằm phát triển các máy bay mới cho các tàu sân bay, nhắm đến việc bổ sung và cuối cùng là thay thế dòng F/A-18E/F Super Hornet.
Ông Steve Burgess, chuyên gia tại US Air War College (Trường Chiến tranh Không quân Mỹ), cho biết mục tiêu của NGAD là nhằm phát triển một loại máy bay chiến đấu mới cho thập niên 2020, củng cố hơn nữa vị thế dẫn đầu thế giới của quân đội Mỹ, đồng thời mở rộng khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong công nghệ vũ khí.
Khi sự cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã tăng cường các cơ chế mới để thúc đẩy sự đổi mới trong quân đội. Bắc Kinh đã giữ tư tưởng cạnh tranh với Mỹ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, việc hiện đại hóa quân đội nước này sẽ được hoàn thành vào năm 2035, với mục tiêu có một “quân đội đẳng cấp thế giới” và đối trọng được với Mỹ vào năm 2050. Đồng thời, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ được cải biến thành một lực lượng quân sự hiện đại vào năm 2027.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng công bố ngân sách quốc phòng lên mức 6,8% GDP trong năm 2021, song cho biết nước này sẽ tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ lên hơn 7% trong 5 năm tới. Trong dự thảo kế hoạch 5 năm, các lĩnh vực được ưu tiên gồm chất bán dẫn, lượng tử và điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo ứng dụng cho cả mục đích quân sự và thương mại.
Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu ở Canberra, Australia, cho biết sức mạnh hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ lớn hơn nhiều so với các cường quốc khác trong khu vực. Điều này thực sự đã mang lại cho Bắc Kinh nhiều công cụ để thúc đẩy các chương trình nghị sự quyết đoán và tích cực hơn.
Quân đội Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh quân sự-kỹ thuật lâu dài với Hoa Kỳ kể từ giữa những năm 1990. Trong bối cảnh cạnh tranh khoa học và công nghệ ngày càng gay gắt và mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách để tăng cường đầu tư nghiên cứu, phát triển hoặc tiến hành các thương vụ hợp tác hoặc mua bán trong lĩnh vực quân sự để đẩy nhanh quá trình đổi mới.
Mặt khác, năm 2019, một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng Trung Quốc sử dụng các phương pháp như trộm cắp trên mạng, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xâm nhập máy tính và khai thác quyền truy cập công nghệ của công dân Trung Quốc, để có được công nghệ quân sự và công nghệ quân-dân sự. Những chiến thuật như vậy đã cho phép Bắc Kinh có được các thiết bị cấp quân sự từ Mỹ, bao gồm các công nghệ hàng không và công nghệ chiến tranh chống tàu ngầm.
Chính vì vậy, sự giao thoa giữa công nghệ Mỹ và quân đội Trung Quốc đã trở thành mối quan tâm của các quan chức Lầu Năm Góc và cả sự chú ý của Cựu Tổng thống Donald Trump. Do đó, ông Trump đã ban hành hàng loạt các lệnh cấm trong thời gian cầm quyền để hạn chế việc Bắc Kinh sử dụng công nghệ Mỹ cho mục đích hiện đại hóa quân đội.
Hiện nay, mặc dù quân đội Trung Quốc được cho là vẫn kém xa các lực lượng vũ trang của Mỹ, nhưng họ đã bắt kịp trong một số lĩnh vực, bao gồm cả việc mở rộng sức mạnh hải quân và triển khai tên lửa.
Do vậy, các chuyên gia dự đoán, thời gian tới Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hiện đại hóa quân đội để cạnh tranh tại một số khu vực chiến lược. Và, cuộc chạy đua công nghệ sẽ ngày càng trở nên nóng hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông: Quan chức Úc nói gì?
05:00, 22/12/2020
Chính sách quân sự Mỹ sẽ ra sao dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden?
06:00, 17/12/2020
Cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông: Sự thật và hư cấu
05:00, 17/06/2020
Liên minh quân sự Nga - Trung có thể hình thành khi các hiệp ước vũ khí hạt nhân New Start sụp đổ?
21:51, 29/04/2020