Năm 2018 - Một góc nhìn (Bài 2)

Diendandoanhnghiep.vn "Một góc nhìn 2018" tiếp tục trong lĩnh vực kinh tế với những thành tựu đáng ghi nhận. Đương nhiên, không thể "vắng mặt" những thử thách buộc phải vượt qua.

Mặc dù bức tranh giáo dục, văn hóa, xã hội có những gam màu u ám, nhưng lĩnh vực kinh tế năm 2018 lại cung cấp chất xúc tác đủ để kích hoạt động lực tăng trưởng trong năm 2019.

Rất đáng quan ngại! Cụm từ “toàn cầu hóa - đa phương hóa” mà chúng ta hay dùng trong mọi cuộc nói chuyện liên quan đến kinh tế, hội nhập, giờ đây có nguy cơ tan rã trên diện rộng.

Nước Mỹ dưới thời D. Trump là đầu tàu ý định buông bỏ các hiệp định thương mại đa phương, bởi lý lẽ của Washington là “không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa”!

Nước Mỹ dọa rút khỏi WTO, LHQ; EU rối bời vì các vấn đề nội bộ; OPEC có nguy cơ tan rã; Diễn đàn APEC lần đầu tiên không có tuyên bố chung…!

Và chính Nhà trắng chủ động rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) buộc tổ chức này phải đổi tên thành Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong xu thế thoái lui của một số nước lớn, CPTPP - dù vướng phải không ít rào cản nhưng cuối cùng đã cập bến thành công. Hiệp định gồm 11 nền kinh tế với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu.

Ngày 12/11, Quốc hội Việt Nam (khóa 14) thông qua CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức này. Động thái này được doanh nghiệp trong và ngoài nước chờ đợi, giữa bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.

CPTPP chính thức có hiệu lực

Chỉ còn vài ngày nữa (30/12) CPTPP chính thức có hiệu lực

Đây được coi là một “FTA kiểu mới” - ở đó không chỉ có các vấn đề truyền thống là thương mại, thuế quan, mà bao hàm cả các vấn đề xã hội, văn hóa, dân tộc, pháp lý…được đính kèm.

CPTPP không có Mỹ cho thấy gì? Vâng, thế giới bắt đầu ít lệ thuộc vào ý chí của một vài cường quốc, trong đó Châu á - Thái Bình Dương bắt đầu trở nên “bản lĩnh” hơn đối với các vấn đề đại sự, đơn giản vì thế kỷ 21 là thế kỷ của châu lục này.

 Với Việt Nam, CPTPP hứa hẹn mang lại đổi thay lớn hơn so với khi là thành viên của WTO. Nó có tác dụng định hướng phát triển cho mỗi doanh nghiệp theo chiều sâu, tạo ra những hệ giá trị mà ở đó - không chỉ giới chủ mới được hưởng thành quả.

Đương nhiên, CPTPP sẽ là thách thức nếu như cộng đồng doanh nghiệp Việt không nhanh chóng thay đổi phương thức hoạt động, không mạnh dạn tiến vào kỷ nguyên sáng tạo, minh bạch.

Tín hiệu lạc quan đầu tiên của một nền kinh tế là gì? Đó là tốc độ tăng trưởng GDP. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018) diễn ra đầu tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “GDP năm 2018 ước tăng 7%, mức cao nhất 10 năm kể từ khủng hoảng kinh tế 2008”.

Tăng trưởng kinh tế 2018 đạt con số ấn tượng (Nguồn: Vnexpress)

Tăng trưởng kinh tế 2018 đạt con số ấn tượng (Nguồn: Vnexpress)

Nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới u ám suốt cả năm 2018 vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì mức tăng trưởng 7% là một con số lý tưởng.

Đương nhiên, đó là kết quả của một chính sách điều tiết vĩ mô hợp lý từ Chính phủ; nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí bắt đầu được đẩy mạnh bằng công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng vẫn còn câu hỏi: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hay chưa?      

Đây là yếu điểm cố hữu của nền kinh tế nước ta, dù muộn nhưng đã đến lúc phải có những con tính đường dài khi nguồn vốn FDI và nguồn vay ODA ngày một siết chặt hơn.

Có thể nhìn sang Trung Quốc để thấy bài học nhãn tiền - một khi hết lợi thế cạnh tranh: nhân lực giá rẻ, tài nguyên dồi dào, chính sách “trải thảm”, và khi lợi nhuận giảm… dòng FDI hoàn toàn có thể tạo một cuộc dịch chuyển quy mô lớn.

Việt Nam đang được cho là đủ sức chạy đua với Ấn Độ để trở thành “công xưởng thế giới mới”, nhưng nhìn lại, tài nguyên có dấu hiệu cạn kiệt, “chảy máu” chất xám, thể chế, chính sách chậm chuyển biến so với sự vận động của xu thế.

Nhưng cốt lõi vẫn không thể ngó lơ tình trạng “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp nội địa. Chúng ta làm rất tốt khâu xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới, nhưng lĩnh vực sáng tạo - như là mỏ neo của phát triển bền vững, vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ!

Trực diện hơn, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực hơn rất nhiều nếu muốn trở thành những nhà cung ứng hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài. Không có lý do gì Apple chuyển sang Việt Nam mà những nhà cung ứng linh kiện cho họ hầu hết nằm ở Trung Quốc và Ấn Độ!

Thế giới đã có mô hình về phát triển bền vững, đương nhiên là ưu tiên bảo vệ môi trường, tăng tính xã hội của kinh tế. Nhưng cuối cùng, để hùng cường trong xu thế 4.0 thì không thể mãi gia công rồi xuất khẩu!

Sự thành công cơ bản của kinh tế năm 2018 không thể không có vai trò của ngoại thương. Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, 11 tháng/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 440 tỷ USD.  Đây là con số cực kỳ ấn tượng, xứng đáng được liệt vào một trong những sự kiện năm 2018 của kinh tế Việt Nam.

Cá tra tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Mỹ

Cá tra tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Mỹ

Xuất siêu cho thấy điều gì? Mặc dù có rất nhiều bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp khi hội nhập, như độ am hiểu pháp lý quốc tế, chất lượng hàng hóa…nhưng thặng dư thương mại thu về cao nhất kể từ năm 2008 là minh chứng cho sự tiến bộ rõ rệt.

Hàng Việt bắt đầu chinh phục các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU. Điển hình là cá tra xuất khẩu đạt kỷ lục 2 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ tăng trưởng nhanh nhất với 45%.

Cùng với gạo, rau củ quả, lâm sản… nông nghiệp đã tạo ra con số kỷ lục xuất khẩu 40 tỷ USD.

Nhưng năm 2018 chứng kiến sự thất bại của một vài mặt hàng đặc sản tiêu biểu như hạt tiêu, điều, cà phê, mía đường - bắt dầu từ những cuộc khủng hoảng truyền thông trong nước. Nguyên nhân được cho là: Năm 2018 có sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới!

Và một thực tế vẫn phải nhìn nhận, nền nông nghiệp Việt Nam còn quá bất ổn từ gốc. Do đâu xảy ra những vụ khủng hoảng thừa phải giải cứu? Khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao” vẫn còn ở đâu đó ngoài mảnh ruộng chật hẹp của người nông dân.

Chưa hết, những câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu năm nay tại một diễn đàn đối thoại với người nông dân: “Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% dân số sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động mà chỉ đóng góp 18% GDP?”.

Nông sản vẫn tiềm tàng bất ổn

Nông sản vẫn tiềm tàng bất ổn

Nông sản là mảng màu sáng lớn nhất trong bức tranh chung của lĩnh vực xuất khẩu đạt kỷ lục. Nhưng liệu có giải quyết được phần nào vài câu hỏi thấu tận tâm can của Thủ tướng Chính phủ?

Khi xuất khẩu nông sản khởi sắc thì các mặt hàng công nghiệp vẫn đi theo con đường cũ. Bằng chứng là trong tổng kim ngạch 440 tỷ USD, khối doanh nghiệp FDI chiếm 288 tỷ USD!

Đây là sự phụ thuộc không hề nhẹ, và nó tăng trưởng khi Việt Nam còn đáp ứng được nguồn nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính sách “trải thảm đỏ” liên tục.

Nhưng quan trọng hơn cả là 40 tỷ USD thu về từ nông sản, có bao nhiêu trong số ấy thật sự đến tay người nông dân?

Còn tiếp…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Năm 2018 - Một góc nhìn (Bài 2) tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714120348 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714120348 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10