Năm 2018: Ngân sách Nhà nước và nợ công sẽ đối mặt với thách thức nào?

Châu Huệ 05/01/2018 10:43

Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) – nợ công năm 2018 về cơ bản sẽ hoàn thành chỉ tiêu nhưng cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức.

Việc thực hiện dự toán NSNN – nợ công năm 2018 về cơ bản sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra do được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như: Giá dầu thô trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục hồi phục do kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo có nhiều khởi sắc; Kim ngạch xuất nhập k hẩu dự báo tiếp tục tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thuận lợi, NFSC cho rằng việc triển khai dự toán NSNN – nợ công năm 2018 cũng đối mặt với một số thách thức. Thứ nhất, tốc độ tăng thu nội địa năm 2018 cao hơn mức tăng trưởng GDP dự kiến (6,5-6,8%). Thứ hai, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng nên nếu có khoản chi phát sinh đột xuất thì ngân sách khó bố trí nguồn để bù đắp. Thứ ba, huy động vốn vay cho cân đối ngân sách có thể khó khăn hơn do chi phí lãi vay tăng lên khi Việt Nam đã dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng thế giới, mặt bằng lãi suất khó duy trì mức thấp như năm 2017, hoạt động khối ngành ngân hàng khởi sắc khiến thị trường trái phiếu Chính phủ kém hấp dẫn hơn.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ công/GDP năm 2017 ước ở mức 62,6%, thấp hơn so với mức 63,6% cuối năm 2016 do tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ cấu lại ngân sách, nợ công của Chính phủ.

Theo đó, dư nợ và áp lực trả lãi của Chính phủ có xu hướng giảm. Dư nợ Chính phủ so với GDP giảm xuống mức 51,8% (năm 2016 là 52,6%). Áp lực trả lãi trong nước cũng giảm do: kỳ hạn phát hành bình quân TPCP tăng (từ 8,7 năm năm 2016 lên 13,5 năm năm 2017); lãi suất phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ giảm (từ 6,28% năm 2016 xuống 6,1% năm 2017). Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (bảo gồm cả trả nợ cho vay lại) so thu NSNN ước bằng 20,9%, vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép.

Bội chi NSNN (không bao gồm chi trả nợ gốc) so với GDP năm 2017 ở mức 3,5%5 , thấp nhất trong 4 năm trở lại đây . Thu NSNN năm 2017 ước đạt 102,3% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ; chi NSNN ước đạt 101,7% dự toán, tăng 9,3% so cùng kỳ. Bội chi NSNN ước khoảng 174,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4 nghìn tỷ đồng so dự toán, chủ yếu do bội chi NS địa phương thấp hơn dự kiến.

NFSC cho biết, trong năm 2017, cơ cấu thu – chi cải thiện tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lại ngân sách. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN chiếm 81,5%, cao hơn giai đoạn 2011- 2015 (68%), dần tiến tới mục tiêu giai đoạn 2016-2020 (84-85%). Tuy nhiên, tăng thu nội địa chủ yếu đến từ thu nhà đất còn thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt thấp. Cơ cấu chi đã đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu lại ngân sách khi tỷ trọng chi thường xuyên và chi trả nợ lãi trong tổng chi NSNN chiếm 71,2%, trong đó chi thường xuyên là 64,2%, xấp xỉ mục tiêu giai đoạn 2016-2020 (lần lượt 75% và dưới 64%). Năm 2017, các khoản chi NSNN về cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ, ngoại trừ chi đầu tư phát triển do giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp.

Báo cáo tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội mới đây cho biết, Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng, dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm 2018: Ngân sách Nhà nước và nợ công sẽ đối mặt với thách thức nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO