Từ H&M cho đến Kate Spade hoặc Carhartt, ngày càng nhiều thương hiệu lớn gia nhập xu hướng bán hàng “second hand” năm nay.
>>Hãng thời trang nhanh bán đồ cũ: Nghiêm túc hay đối phó
Theo bảng xếp hạng mới nhất của hãng bán lẻ đồ cũ ThreadUp, trong năm 2023 có đến 39 thương hiệu gia nhập cuộc đua bán đồ cũ, bao gồm những cái tên như H&M, Kate Spade và Carhartt. Điều ấn tượng là có khá nhiều thương hiệu chỉ mới tung các chương trình bán đồ cũ nhưng đã nhanh chóng có mặt trong bảng xếp hạng.
Trong tháng 11/2023, thương hiệu bán đồ cũ nhiều nhất là Madewell, với 28.623 mặt hàng. Theo sau là “lính mới” American Eagle với 25.667, Tea Collection với 24.200 và Athleta với 23.010.
Năm ngoái, 2022, người ta chứng kiến hiện tượng có thể gọi là “nhà nhà đi bán đồ cũ”. Hàng loạt các thương hiệu mở ra chương trình bán đồ cũ của riêng mình.
Theo khảo sát, người tiêu dùng vài năm trở lại đây rất ưa chuộng việc mua lại đồ cũ. Lí do hàng đầu là “tiết kiệm tiền”, sau đó là “tìm được những món hàng độc đáo. Với lí do “tiết kiệm tiền” thì trong năm kinh tế khó khăn như năm 2023, mô hình bán lại đồ cũ vẫn tiếp tục phát triển là điều dễ hiểu.
Dựa theo tình hình thị trường đồ cũ năm 2023, giới quan sát rút ra hai nhận xét.
Thứ nhất, mảng bán lại đồ cũ vẫn đang phát triển nhưng tốc độ chậm đi
Mô hình bán lại đồ vẫn chưa đạt điểm bão hòa, thế nhưng tốc độ tăng trưởng lại chậm đi. Cụ thể, trong năm 2022, số lượng thương hiệu bắt đầu triển khai bán đồ cũ tăng từ 36 lên đến 124, tương đương mức tăng 244,4%. Thế nhưng trong năm 2023 (tính đến tháng 11), chỉ số này chỉ tăng từ 124 lên 165, tức tăng 33,1%, một con số khiêm tốn hơn rất nhiều.
Mặc dù số lượng tân binh giảm đi, thế nhưng thị trường bán đồ cũ lại ghi nhận các thương hiệu cũ đã và đang tăng cường các hoạt động của mình.
Bà Emily Gittins, đồng sáng lập kiêm CEO Archive, đơn vị hợp tác triển khai chương trình bán đồ cũ cho các thương hiệu như The North Face và Oscar de la Renta, chia sẻ rằng mọi đối tác của họ đều kiếm được lợi nhuận từ bán đồ cũ. Đặc biệt một số thương hiệu còn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2023. Có những thương hiệu lâu đời sở hữu tỷ suất lợi nhuận từ bán đồ cũ còn cao hơn tỷ suất từ tổng thể hoạt động kinh doanh, thậm chí còn gấp đôi.
Thứ hai, các thương hiệu cao cấp dần nhập cuộc
Các thương hiệu cao cấp nổi tiếng là những bên khá chậm trễ trong việc ứng dụng bán đồ cũ. Một số thương hiệu lo ngại rằng bán hàng bán đồ cũ sẽ ảnh hưởng đến doanh số các mặt hàng có giá trị lớn.
Tuy nhiên gió bắt đầu đổi chiều vào năm 2022, khi Rolex, cùng với một số thương hiệu cao cấp khác, bắt đầu triển khai chương trình bán đồ cũ. Đến năm 2023, có thêm nhiều cái tên cao cấp gia nhập mảng bán đồ cũ, chẳng hạn Kate Spade và Canada Goose.
Bà Gayle Tait, giám đốc điều hành Trove, một đơn vị hỗ trợ các chương trình bán đồ cũ cho các thương hiệu, đưa ra nhận định tương tự. Theo bà, thậm chí hàng xa xỉ mới là thứ thích hợp nhất để bán đồ cũ vì chúng thường đắt tiền và có độ bền cao.
Hay nói theo cách của Tait, bán đồ cũ có thể là cách để các thương hiệu cao cấp trình bày câu chuyện về tuổi thọ và độ bền của sản phẩm.
Việt Nam cũng có những tên tuổi bán đồ cũ đáng chú ý và cho thấy đang ngày càng chuyên nghiệp hơn. Sàn chuyên bán đồ hiệu cũ Joolux tuyên bố có hệ thống thẩm định giá túi hàng hiệu cũ. Chợ Tốt Xe tung ra dịch vụ kiểm tra chất lượng xe ô tô đã qua sử dụng. Chúng ta hãy cùng xem mô hình này sẽ phát triển thế nào trong năm 2024 tới.
Có thể bạn quan tâm