Nam Định: Chủ động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp

MINH HUỆ 14/10/2022 17:31

Nam Định lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, khơi dậy khát vọng làm giàu của doanh nhân để doanh nghiệp phát triển bền vững.

>>>Nam Định: Kết nối hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư

Từ nỗ lực…

Nam Định có khoảng gần 10.000 doanh nhân hoạt động trong các doanh nghiệp, cơ sở thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất thuốc và hóa dược…Dưới sự quản lý, điều hành của các doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Từ cuối năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp không ký kết được hợp đồng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp.

Từ đó, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chủ lực, có thế mạnh của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng mỗi đơn vị phải tự rà soát, tính toán, tìm điểm mạnh và yếu để khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế mới. Các doanh nghiệp liên tục đổi mới công nghệ sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cty CP Chế biến lâm sản Nam Định, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ

Cty CP Chế biến lâm sản Nam Định, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ

Từ việc nâng cao năng suất, chất lượng đạt đến các quy chuẩn khắt khe đã giúp các doanh nhân Nam Định không ngừng mở rộng thị trường ra nước ngoài, tạo lập được uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.

Theo ông Bùi Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết: Trong lộ trình phát triển, đầu tư xây dựng, quản lý Công ty với hơn 20 nhà máy thành viên trên địa bàn tỉnh Nam Định, bên cạnh tinh thần tự nỗ lực, cá nhân ông cũng như Công ty luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Nhờ đó, Công ty không ngừng phát triển, trở thành một trong các doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm tại thị trường Việt Nam; có chi nhánh đại diện tại Hồng Kông (Trung Quốc).

>>>Nam Định: Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

Hiện, Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho 11 nghìn lao động với mức thu nhập cao trong khối các doanh nghiệp dệt may của tỉnh; hàng năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 150 tỷ đồng. 

Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định) thì cho biết: Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ của địa phương để triển khai các dự án, kế hoạch đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc theo hướng hiện đại, cải tiến chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tiếp cận, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong nghiên cứu, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như liên kết với đối tác nước ngoài nghiên cứu, thiết kế thành công lò nhiệt luyện liên tục tự động kết hợp giải pháp internet vạn vật (IoT) điều hành giám sát thu nhập dữ liệu từ xa giúp doanh nghiệp tiếp tục tự động hóa các quy trình và cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng sản phẩm. 

Đó là hai trong số đông các doanh nghiệp đã được tỉnh Nam Định hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa từ vận dụng chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển đến cải thiện môi trường đầu tư, lãnh đạo thực hiện cải cách hành chính; đào tạo lao động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ; tìm kiếm phát triển thị trường...

Theo lãnh dạo UBND tỉnh Nam Định: Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thiết lập cơ chế chính sách đến kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thế mạnh của Nam Định là dệt may

Thế mạnh của Nam Định là dệt may

Theo ông Trần Xuân Ngữ -  Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết: Thông qua Hiệp hội, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc các doanh nhân, doanh nghiệp phản ánh đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết. Như trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tỉnh đã thực hiện đúng phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt cơn “bĩ cực”, từ việc thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, phần lớn các giải pháp doanh nghiệp quan tâm, cần thực hiện để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình: trợ cấp trực tiếp, cho vay có bảo đảm và hỗ trợ người lao động, các chính sách thuế, tài chính tiền tệ, hỗ trợ tái cơ cấu để mở rộng thị trường, chuyển đổi số, bán hàng thông qua các phương thức thương mại điện tử, internet, tiếp cận, nắm bắt thông tin hội nhập kinh tế quốc tế...

Ngoài ra, tỉnh Nam Định cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo tối đa thuận lợi trong khuôn khổ quy định pháp luật cho nhà đầu tư, doanh nghiệp xuyên suốt từ khâu xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính đến quá trình hoạt động tại địa phương.

…đến đồng hành tháo gỡ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định, đến hết tháng 9 năm 2022, toàn tỉnh có 11.165 doanh nghiệp và 861 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 101.352 tỷ đồng. Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng, hội nhập quốc tế, tạo thêm thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Mặc dù phát triển nhanh về số lượng, mức vốn đầu tư và thu hút lao động nhưng nhìn chung hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, chưa có nhiều thương hiệu mạnh trên thị trường, doanh nghiệp thiếu chiến lược phát triển lâu dài; khả năng hấp thu vốn thấp, trình độ công nghệ thấp và chất lượng lao động còn hạn chế, gây nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp và các ngành chức năng tiếp tục bám sát các chương trình, nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, tập trung thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW.

Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) ứng dụng giải pháp internet vạn vật (IoT) trong tự động hóa lò nhiệt luyện liên tục giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm (ảnh báo Nam Định)

Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) ứng dụng giải pháp internet vạn vật (IoT) trong tự động hóa lò nhiệt luyện liên tục giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm (ảnh báo Nam Định)

Đặc biệt, tỉnh cũng đề xuất với Trung ương có chính sách ưu tiên dành nguồn lực về đất đai để phục vụ phát triển công nghiệp nhất là xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh phân cấp quyết định đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho địa phương để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ pháp lý liên ngành và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ, có sức cạnh tranh cao trong khu vực đồng bằng sông Hồng và trên toàn quốc; đội ngũ doanh nhân của tỉnh có đủ trình độ, năng lực quản lý, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội cao, có văn hóa kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Định: Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

    Nam Định: Phát triển kinh tế biển là động lực tăng trưởng kinh tế bền vững

    01:34, 08/10/2022

  • Nam Định: Xây dựng nền tảng công nghệ chuyển đổi số để phát triển bền vững

    Nam Định: Xây dựng nền tảng công nghệ chuyển đổi số để phát triển bền vững

    00:06, 04/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Chủ động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO