Những năm qua, khai thác phát triển các khu du lịch xanh đã có bước phát triển nhanh, hiệu quả, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nam Định.
>>>Du lịch trải nghiệm “Ngày của Phở” tại Nam Định
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, tại 2 khu du lịch biển Thịnh Long - Hải Hậu và Quất Lâm - Giao Thủy.
Nhiều hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ gồm: đường kè, đường dạo ven biển, đường giao thông dân sinh, hệ thống cấp, thoát nước, đèn điện chiếu sáng, dịch vụ bưu chính viễn thông. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển du lịch của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác của địa phương, diện mạo các khu du lịch biển Thịnh Long, Quất Lâm, khu sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đã có nhiều thay đổi...
Việc đầu tư xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch, trong đó có việc nâng cấp các tuyến đường, đã giúp du khách tiếp cận các điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn, rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển.
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển đã thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Lực lượng lao động nghiệp vụ (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển chiếm phần lớn trong tổng số lao động du lịch của tỉnh. Đội ngũ này bao gồm lao động toàn thời gian và lao động mùa vụ, tập trung tại các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long.
Tại các khu, điểm du lịch, số lao động mùa vụ thường là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch. Đây là một trong những hạn chế về chất lượng của lao động ngành Du lịch tỉnh, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của ngành. Hoạt động du lịch tắm biển và các loại hình du lịch mới đã góp phần tạo thêm những sinh kế mới cho người dân địa phương.
Từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch. Hiện, ở các khu du lịch biển của tỉnh có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ ăn uống được đầu tư xây dựng với các trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện, huyện Giao Thủy và thị trấn Quất Lâm đang tiến hành giải tỏa các ki-ốt xây dựng ven biển tại Khu du lịch biển Quất Lâm sau khi các chủ đầu tư hết hạn thuê đất. Nam Định là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường và các hình thái thiên tai cực đoan, nhất là các công trình hạ tầng ven biển ở các khu du lịch biển. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ được cải tạo thành công viên cây xanh ven bờ, tạo cảnh quan sinh thái, hiện đại, văn minh cho khu du lịch, xây dựng thị trấn sớm trở thành đô thị loại IV.
Thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch biển
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch biển được ngành Du lịch tỉnh quan tâm thông qua việc tổ chức các hoạt động: Tổ chức các cuộc thi ảnh, thi thiết kế logo du lịch Nam Định, xuất bản ấn phẩm sách ảnh du lịch Nam Định, bản đồ du lịch Nam Định; tổ chức Hội chợ Du lịch thương mại Nam Định, tham gia các Hội chợ quảng bá xúc tiến Du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Qua đó tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và các đối tác hợp tác kinh doanh, phát triển du lịch biển tại địa phương. Nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch biển và liên kết các tour, tuyến du lịch, ngành Du lịch tỉnh đã tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát tuyến, điểm du lịch tỉnh và triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Nam Định với các địa phương để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, của tỉnh và các địa phương khác tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Nam Định.
Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, khảo sát cung cấp thông tin về thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã tăng cường quảng cáo các sản phẩm dịch vụ thông qua nhiều hình thức như: tờ rơi, tập gấp, website doanh nghiệp, các nền tảng ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội...
Đến với các huyện ven biển, du khách có thể tham quan các làng quê đặc trưng của vùng nông thôn gắn với văn hóa mở đất của người dân các miền biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (nơi tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây cùng với sự xuất hiện sớm của Đạo Thiên chúa và hệ thống các công trình kiến trúc nhà thờ đặc sắc).
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, những năm qua, Nam Định đã khai thác phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch biển là một trong những trọng tâm được tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.
Tuy nhiên hoạt động du lịch Nam Định vẫn thiếu tính liên kết như sản phẩm, chương trình, thương hiệu du lịch. Chủ yếu phát triển còn tự phát, theo mục tiêu ngắn hạn và thiếu tính bền vững; đồng thời, nội lực cho phát triển du lịch còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên vốn có; trình độ quảng bá sản phẩm còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn thấp…
Để từng bước đưa du lịch Nam Định phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cần tập trung đẩy mạnh phát triển liên kết kinh tế trong du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, chiến lược liên kết phát triển với vùng Thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; cụ thể cần nghiên cứu xây dựng bộ máy tổ chức phù hợp và cơ chế vận hành liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết ngoại vùng. Cần thực hiện có lộ trình, chiến lược, xây dựng các tuyến điểm du lịch phù hợp, đảm bảo khai thác được lợi thế du lịch của các địa phương. Trước mắt, cần có sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch giữa Nam Định với các tỉnh, thành lân cận.
Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp liên kết ngành và tiểu ngành, coi trọng việc quy hoạch phát triển các ngành giao thông, nông nghiệp, văn hóa và hệ thống cơ sở đào tạo gắn với ngành Du lịch.
Các hoạt động hợp tác, liên kết du lịch Nam Định cần được xây dựng thành chương trình hành động dài hơi với sự tham gia của nhiều ban, ngành, tập trung vào các vấn đề trong công tác quản lý phát triển du lịch. Các chương trình hành động cũng đưa ra mục tiêu, giải pháp, nguồn lực và kết quả đạt được làm cơ sở triển khai, giám sát việc thực hiện các hoạt động du lịch, từ đó thúc đẩy hoạt động liên kết sâu rộng và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm