Nam Định: Gỡ khó đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

LAN VŨ 23/03/2022 11:14

Bên cạnh những thuận lợi thì không ít sản phẩm nông nghiệp của Nam Định gặp khó khi bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

>>>Nam Định giải bài toán tiêu thụ nông sản

Trong đó chủ yếu là nhóm hàng thủy sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh và rau củ tươi. Khó khăn rõ nhất là quá trình vận chuyển, bảo quản nông sản tươi, hay đã chế biến bảo quản lạnh đến tay người tiêu dùng nông sản. Các sản phẩm này không thể vận chuyển qua đường bưu chính của các đơn vị chủ sàn thương mại điện tử.

Đơn cử như, sản phẩm từ thịt lợn chế biến sẵn của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định) cần quy trình bảo quản nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện doanh nghiệp đang lúng túng tìm giải pháp cho việc đảm bảo nguyên vẹn chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP của Nam Định tham gia hội chợ.

Các sản phẩm OCOP của Nam Định tham gia hội chợ.

Một khó khăn nữa là các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất và kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, đặc biệt là marketing online, nên cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng; lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng. Mặc dù, sau nhiều tháng được các ngành chức năng và 2 đơn vị chủ quản sàn thương mại điện tử PostMart.vn, Voso.vn hỗ trợ nhưng nhiều hộ sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn dây, tương ớt, nước mắm truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh hay như sản phẩm bánh gai Bà Thi, bánh xíu páo… vẫn không phát sinh đơn hàng mặc dù kênh tiêu thụ truyền thống lại bán hàng rất tốt.

>>Thương mại điện tử nông nghiệp Đông Nam Á lên ngôi

>>Quản lý sàn thương mại điện tử vẫn nhiều… thách thức

Để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bớt khó khăn khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Sở NN&PTNT Nam Định, Sở Công thương, Sở TTTT đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và đại diện các sàn thương mại điện tử trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử… Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại và hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh như: thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giá giống và phân bón… để chủ động phương án kinh doanh.

Các sản phẩm nông sản của Nam Định lên sàn thương mại điện tử

Các sản phẩm nông sản của Nam Định lên sàn thương mại điện tử

Sở TTTT Nam Định cũng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quản lý tập trung và bán hàng đa kênh để có thể đảm bảo tính thống nhất, liên tục và đồng bộ của cả hệ thống trong cách quản lý các kênh, chi nhánh và sản phẩm của mình.

Để khắc phục tình trạng không thể kết nối đến đúng đối tượng khách hàng do sản phẩm bị lẫn vào các sản phẩm khác, các sàn thương mại điện tử có đại diện tại địa phương như PostMart.vn, Voso.vn trực tiếp phối hợp chặt chẽ với địa phương để lựa chọn, đưa các nông sản đặc trưng, chất lượng cao lên sàn giao dịch điện tử và có chương trình quảng bá, giới thiệu riêng cho từng loại nông sản.

Riêng đối với những nông sản đặc thù có thời gian bảo quản ngắn và vận chuyển có điều kiện, các ngành chức năng khuyến khích cơ sở sản xuất tập trung đơn hàng quy mô lớn để đơn vị vận chuyển phân bổ xe chuyên dụng và đề xuất với sàn giao dịch áp dụng phương án khai thác tính năng quảng cáo để khách hàng biết đến sản phẩm và linh hoạt trong khâu vận chuyển, không phụ thuộc vào nhân viên chuyển phát của sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về phía các hộ sản xuất, kinh doanh, tỉnh Nam Định đề xuất cần tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao kỹ năng bán hàng, tương tác trên môi trường điện tử để khai thác hiệu quả kênh bán hàng hiện đại này

Theo ông Trần Sách Vụ - Phó Giám đốc chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định, thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, nông sản của tỉnh sẽ tiếp cận với khách hàng tiêu thụ trên khắp cả nước nhanh hơn, trực diện hơn, góp phần lan tỏa quảng bá thương hiệu nông sản Nam Định. Cũng nhờ đó nông dân nhanh chóng làm quen với hình thức quảng cáo, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa hiện đại.

Để tăng cường hơn nữa tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong thời gian tới, Viettel Post Nam Định sẽ hỗ trợ bà con nông dân kỹ năng giao dịch thương mại điện tử cũng như đẩy mạnh quảng bá trang thương mại điện tử Voso.vn trên nền tảng số, khuyến khích thuê bao di động Viettel trên địa bàn tỉnh cài đặt và sử dụng app Voso.vn giúp hàng hóa nông sản của tỉnh tiếp tục được quảng bá rộng rãi hơn – ông Sách cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý sàn thương mại điện tử vẫn nhiều… thách thức

    Quản lý sàn thương mại điện tử vẫn nhiều… thách thức

    04:00, 28/02/2022

  • Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

    Nan giải chống hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

    04:00, 26/02/2022

  • Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

    Ùn tắc nông sản biên giới: Đẩy mạnh kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử

    03:15, 18/01/2022

  • Vì sao Vietnam Airlines

    Vì sao Vietnam Airlines "lấn sân" sàn thương mại điện tử?

    06:40, 08/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Gỡ khó đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO