Nam Định: Lấy công nghiệp là hướng phát triển kinh tế ưu tiên

MINH HUỆ - TRUNG THÀNH 24/11/2023 01:50

Thời gian qua, Nam Định chú trọng phát triển đa ngành, lấy công nghiệp là hướng phát triển ưu tiên. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đã từng bước đạt được những kết quả tích cực.

>>>Nam Định: Đánh thức tiềm năng các tuyến đường thuỷ nội địa

Từ thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo

Theo số liệu thống kê của tỉnh Nam Định, những năm gần đây ngành cơ khí, chế tạo của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ở mức cao, bình quân đạt 18,2%/năm. Đóng góp của ngành lớn thứ hai trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp nói chung và GRDP toàn tỉnh. Số lượng doanh nghiệp trong ngành cơ khí tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 11,41%/năm. Cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí ngày càng đa dạng, từ luyện cán thép (làm nguyên liệu); đúc thép; đúc hợp kim; sản xuất động cơ; tới đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy (có tải trọng đến trên 10 nghìn tấn); đúc chi tiết máy công nghiệp...

Một số phân ngành có sự gia tăng đáng kể, điển hình là phân ngành sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện. Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã tăng tốc đầu tư các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo đà cho ngành cơ khí phát triển theo chiến lược sản xuất dài hạn. Đáng kể, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ việc thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đến nay đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh chế tạo.

Nam Định Số lượng doanh nghiệp trong ngành cơ khí tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 11,41%/năm

Nam Định có số lượng doanh nghiệp trong ngành cơ khí tăng nhanh với tốc độ tăng bình quân 11,41%/năm

Hiện nay, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15 - 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40 - 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh cũng đã có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo được các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp... Bên cạnh đó, đại đa số doanh nghiệp cơ khí cũng đã nhạy bén tiếp cận cơ hội thị trường mới, đáp ứng nhanh nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm cơ khí chất lượng cao.

Ông Lê Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nam Định chia sẻ, đơn vị chuyên sản xuất thiết bị linh kiện cơ khí phục vụ ngành đường sắt, khai thác mỏ, điện. Những năm gần đây, Công ty đã nỗ lực, chủ động đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Riêng năm 2022, Công ty đầu tư 10 tỷ đồng lắp đặt thêm một dây chuyền đúc chi tiết bằng công nghệ cao CNC. Công ty đã nâng cao năng lực tự sản xuất các linh kiện chi tiết nên đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên gần 80%, giảm sâu tỷ lệ nhập khẩu chi tiết linh kiện, chủ động nguyên liệu đầu vào, hạ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Nhờ đó, Công ty khẳng định được thương hiệu là một trong những doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí đứng top của Việt Nam. Năm 2022, Công ty đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng; năm 2023 Công ty đã tiếp tục ký kết được nhiều đơn hàng với các đối tác lớn.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Tỉnh cũng xác định ưu tiên không gian phát triển công nghiệp cơ khí tại các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch thuộc các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu kinh tế trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ven biển Nghĩa Hưng, Hải Hậu; gắn với khai thác cảng biển nước sâu khu vực Nghĩa Hưng để thu hút các doanh nghiệp tiềm năng đầu tư các dự án lớn, ngành công nghiệp xanh; trong đó có các dự án công nghiệp cơ khí và sản xuất thép xanh, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với bảo vệ môi trường…

Tỉnh Nam Định chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các doanh nghiệp lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị, để tiếp cận và nhận chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; chú trọng đến các công nghệ mới của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để có cơ hội thay đổi đột phá, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng ngành trong tỉnh, trong nước kết nối với nhau, nhằm tăng cường liên kết, liên doanh, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh.

Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. (Ảnh: Báo Nam ĐỊnh)

Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. (Ảnh: Báo Nam ĐỊnh)

...dến thu hút dự án công nghệ cao

Nằm ở cửa ngõ của tỉnh Nam Định, Khu công nghiệp Mỹ Thuận được thành lập với mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao. Mặc dù đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài cam kết đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Khi được lấp đầy, khu công nghiệp sẽ tạo nguồn thu ngân sách lớn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Theo bà Hoàng Thị Huế - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong, thời điểm này, đơn vị đang tập trung nhân lực và máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 để sang quý I/2024 khu công nghiệp sẽ đi vào vận hành. Đến thời điểm này, đã thu hút được gần 40% nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào khu công nghiệp.

Hiện nay tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận đã có 5 nhà đầu tư thứ cấp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích cho thuê trên 37 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 31%. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới cam kết đầu tư vào khu công nghiệp với số vốn hàng trăm triệu USD như: Tập đoàn Quanta Computer Inc, đầu tư dự án sản xuất máy tính với số vốn 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei Lifestyle Inc, đầu tư dự án sản xuất sản phẩm nhựa và melamine với vốn 42 triệu USD; Công ty Sunrise Material (Singapore) ký thoả thuận dự án sản xuất màng bọc polyme trị giá 100 triệu USD…

Theo ông Nguyễn Mai Thuận - Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định, đến quý III năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 nhà đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 210 triệu USD. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 11 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, đạt 105,15% kế hoạch năm 2023. Hiện tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 185 dự án đầu tư thứ cấp của 165 doanh nghiệp, 55 dự án của 51 nhà đầu tư FDI.

Ông Thuận cho biết, Nam định có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, trong đó lao động có tay nghề, trình độ cao chiếm tỷ trọng lớn. Thời gian tới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

Thi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Ảnh: Báo Nam Định)

Thi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Thuận (Ảnh: Báo Nam Định)

Để thu hút được các dự án đầu tư vào địa bàn, tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi các nước để kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định: Với trọng tâm là kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển và kinh tế xanh, ưu tiên thu hút các dự án có vốn lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào các khu công nghiệp trên địa bàn.

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đón nhà đầu tư, Nam Định đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo các quy hoạch chung đã được phê duyệt. Tỉnh cũng gấp rút triển khai, hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng để tăng cường khả năng kết nối như: dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn 1); Tỉnh lộ 487B; dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển…

Với phương châm thành công của nhà đầu tư góp phần vào thành công chung của tỉnh, tỉnh sẽ cam kết cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai xây dựng, khai thác và vận hành các dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Cầu Rạch Miễu 2: Lo ngại chậm tiến độ vì thiếu tiền giải phóng mặt bằng

    Cầu Rạch Miễu 2: Lo ngại chậm tiến độ vì thiếu tiền giải phóng mặt bằng

    09:43, 23/11/2023

  • Đánh giá tác khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

    Đánh giá tác khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

    09:36, 23/11/2023

  • BUV công bố các Chương trình đào tạo mới từ Anh Quốc

    BUV công bố các Chương trình đào tạo mới từ Anh Quốc

    09:26, 23/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Lấy công nghiệp là hướng phát triển kinh tế ưu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO