Thời gian qua nhiều hộ dân tỉnh Nam Định đã vươn lên làm giàu tư kinh tế biển, trở thành tỷ phú nhờ phát triển mạnh các ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản.
>>>Nam Định: Quyết liệt triển khai chống khai thác IUU
Thời gian qua nhiều huyện ven biển của Nam Định đã phát triển mạnh các ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, vươn lên làm giàu, đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương.
Khởi nghiệp từ lợi thế...
Nam Định có 72km đường bờ biển và 4 con sông lớn chảy qua nên NLTS đa dạng phong phú, một số loài có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất thủy sản nâng cao thu nhập, góp phần bảo đảm đời sống của cộng đồng dân cư.
Với lợi thế của huyện có 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều với nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng của huyện Giao Thủy - Nam Định, ông Nguyễn Đại Dương - Giao An đã tìm tòi một số nghề phù hợp với bản thân và thực tiễn của địa phương để phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu tài liệu trên sách báo và phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình ao đầm nuôi để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, ông đã quyết định phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã ven biển, từ năm 2011, ông bắt đầu nuôi tôm, vạng với quy mô nhỏ.
Thấy hiệu quả kinh tế, ông đã huy động nguồn lực từ gia đình, vay vốn của anh em, bạn bè mở rộng quy mô ao, đầm nuôi; đến nay có tổng diện tích ao, đầm nuôi khoảng 25ha. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và còn thu hút nhiều lao động thời vụ. Ngoài ra, ông thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi khác.
Còn tại xã Giao Phong, ông Cao Văn Ba nhiều năm qua đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Từ chỗ nuôi trồng nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống cho thu nhập thấp, ông Ba đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt với quy mô 5ha. Các ao nuôi đều được thiết kế dạng ao nổi, có đáy cao hơn mực nước biển từ 30-40cm, thành xây cao khoảng 1,7m và được lót bạt ở bên trong.
Nhờ đó ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng đồng thời dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi đáy nên hạn chế mầm bệnh, hạn chế được rủi ro cho đàn tôm nuôi. Bên trên các ao nuôi, ông Ba còn dựng thêm khung mái, mùa hè dùng lưới đen che toàn bộ ao để giảm cường độ ánh sáng, mùa đông dùng ni lông phủ kín đến chân ao để giữ ấm cho tôm nên môi trường ao nuôi ít biến động, nhiệt độ ổn định, giúp ông nuôi tôm được quanh năm. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch từ 20-25 tấn tôm, thu lãi 5-6 tỷ đồng/năm. Ông còn cùng các thành viên thành lập hợp tác xã, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương, thu nhập 9-10 triệu đồng/người/tháng…
Theo lãnh đạo huyện Giao Thủy: Toàn huyện hiện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản với diện tích trên 5.152ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác. Riêng nuôi tôm công nghệ cao có khoảng 60 cơ sở với tổng diện tích gần 50ha, tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, thị trấn Quất Lâm. Sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng/ha/vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.
Để khuyến khích nông dân làm giàu từ kinh tế biển, HND huyện Giao Thủy đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới...
...đến những nông dân “tỷ phú” làm giàu từ kinh tế biển
Ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 6 – Nghĩa Hưng cho biết: Gia đình ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trại sản xuất giống, mời kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Từ 1,5ha nuôi thương phẩm ban đầu, đến nay trang trại của ông được mở rộng lên 10ha với công nghệ nuôi hiện đại; trong đó có 2ha ao nuôi thương phẩm được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, 8ha còn lại được chia thành hơn 100 bể ương giống, mỗi bể có thể tích 6m3.
Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, ông liên kết với gần 300 hộ nuôi ở địa phương và các xã lân cận xây dựng chuỗi sản xuất an toàn khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu sản xuất, cung ứng con giống đến nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ cá bống bớp. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 5 tấn cá thương phẩm, cung ứng hơn 10 triệu con giống; tổ chức thu mua 500-600 tấn cá cho bà con, thu lãi 1,5 tỷ đồng. Tham gia chuỗi liên kết của ông Sơn, các hộ nuôi thu lãi bình quân 200-300 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng…
Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện ven biển, ngày càng có nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Điển hình như ông Vũ Văn Chức - xã Phúc Thắng. Lúc đầu, ông đầu tư nuôi thả ngao giống và ngao thương phẩm với diện tích trên 1ha, cho thu hoạch 50 tấn/năm. Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 15-20 địa điểm nuôi thả ngao với sản lượng 500 tấn/năm, tạo việc làm cho từ 30-35 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nỗ lực không ngừng và tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, đến nay, ông đã xây dựng được cơ sở kinh doanh, sản xuất ngao với tổng số vốn, đất đai, tài sản đầu tư khoảng trên 30 tỷ đồng. Lợi nhuận thu được hàng năm trên 1,8 tỷ đồng.
Sản phẩm ngao của gia đình ông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Ông còn liên kết với các công ty thủy sản để tiêu thụ các sản phẩm ngao giống, ngao thương phẩm cho gia đình và các hộ nuôi ngao trong xã, đảm bảo đầu ra luôn ổn định, tạo mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị…
Phát huy thế mạnh các ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, vươn lên làm giàu còn có trở thành triệu phú như ông Hoàng Văn Minh, tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông nuôi tôm, sản xuất giống cá bống bớp kết hợp trồng cây đinh lăng; Ngô Văn Lạc - xã Nam Điền nuôi thả cá mú, cá bống bớp cho hiệu quả năng suất cao, thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng: Nhờ sự năng động sáng tạo, phát huy thế mạnh của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm thị trường, mở mang ngành nghề, hội viên nông dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển toàn diện, trong đó có kinh tế biển. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.845ha; sản lượng thuỷ sản đạt 33.540 tấn (nuôi trồng 20 nghìn tấn, khai thác 13.540 tấn). Toàn huyện đã có 13 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có những sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của vùng biển như: mắm tôm của cơ sở sản xuất Lại Văn Quang, xã Nghĩa Hải; nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng.
Hiện đại hóa phương tiện, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, vươn lên làm giàu tư kinh tế biển, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi ven bờ và đồng hành, sát cánh cùng nhân dân ở mọi lúc mọi nơi đã, đang và tiếp tục là hướng đi có chọn lọc để giúp dân làm giàu từ biển là góp phần bảo vệ biển.
Có thể bạn quan tâm