Từ đầu năm 2022 đến nay, các ngành, các địa phương của tỉnh Nam Định đã phát hiện, xử lý 79 vụ việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên khoáng sản.
>>>Nam Định: Nỗ lực cùng ngư dân gỡ "thẻ vàng" trong đánh bắt thủy sản
Từ quản lý bến bãi ven sông…
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Nam Định, toàn tỉnh có hơn 280 vị trí bến bãi trên các tuyến sông, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực bốc xếp hàng hóa, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu và sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy.
Trong số gần 220 bến đang hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, xi măng, sắt thép…) hiện nay mới chỉ có trên 50% số bến được cấp phép, có tổ chức hoạt động quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; các bến còn lại hoạt động không phép, hình thành tự phát chủ yếu dựa vào các điều kiện tự nhiên sẵn có.
Trong đó, một số bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ cầu, đường bộ, hành lang bảo vệ đê điều, một số bến có hành vi cải tạo trái phép gây ảnh hưởng đến dòng chảy; chủ bến không chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh bến bãi; tàu, thuyền ra vào bốc xếp hàng hóa đa số không có đăng ký, đăng kiểm; các phương tiện chuyên chở đường bộ ra, vào các bến bãi thường xuyên không chấp hành quy định về tải trọng phương tiện, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.
Nhiều bến bãi đã được cấp phép về cơ bản đầu tư thiếu đồng bộ, năng lực khai thác, xếp dỡ, kho bãi, giao thông kết nối còn hạn chế. Việc quản lý phương tiện ra, vào bốc xếp hàng hóa còn thiếu chặt chẽ, nhiều phương tiện không chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, tải trọng hàng hóa và các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Để hoàn thành việc giải tỏa vi phạm công trình đê điều, thủy lợi, đưa hoạt động của hệ thống bến bãi vật liệu xây dựng ven sông vào quy củ, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê của tỉnh và Quy hoạch đê điều, phân cấp quản lý đê sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 hiện đang xin ý kiến thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
…đến siết chặt khai thác cát
Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua công tác phối hợp, tăng cường kiểm tra liên ngành, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) và các ngành, các địa phương liên quan đã phát hiện, xử lý 79 vụ việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên khoáng sản.
Được biết, tỉnh đã không cấp phép khai thác cát tại các lòng sông mà chỉ cấp giấy phép cho các đơn vị khai thác cát ven biển và cửa Đáy ở Nghĩa Hưng, Giao Thủy, nhưng theo báo cáo của các ngành chức năng, các địa phương, hoạt động khai thác cát đen trái phép vẫn thường xuyên xảy ra vào ban đêm, tại địa điểm phân chia ranh giới trên sông chưa rõ ràng giữa tỉnh ta và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh phát sinh tình trạng ở khu vực quy hoạch mỏ cát ven biển, cửa sông ven biển có phương tiện khai thác cát trái phép ngoài mỏ. Diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác cát không phép không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã cấp phép các giấy phép thăm dò cát sông và cát biển làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Tuy nhiên, công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân được xác định một phần do địa phương chưa nghiêm túc thực hiện kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác hằng năm tại các dự án khai thác cát, dẫn đến khó kiểm soát khối lượng thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tính đến nay tỉnh có hàng trăm bến bãi tập kết, kinh doanh cát và các loại vật liệu xây dựng, điều này không những gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc tập kết, mua bán, kinh doanh cát trái phép của chủ bến bãi. Hầu hết các bến bãi ở mép bờ sông nên chủ bến lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, giấy phép khai thác được UBND các tỉnh lân cận cấp; lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ của các lực lượng chức năng để hoạt động khai thác cát trái phép.
Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh, cùng với việc khai thác tài nguyên cát mang lại giá trị kinh tế cao, hoạt động khai thác trong lĩnh vực này đã xuất hiện tình trạng khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác ngoài phạm vi, ranh giới, vượt công suất, thời gian quy định, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Để kiểm soát công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn, UBND tỉnh đã yêu cầu cho các cấp chính quyền, ngành chức năng phải siết chặt công tác quản lý khai thác cát. Đặc biệt là ngăn chặn khai thác cát trái phép.
Theo đó, yêu cầu Sở TN và MT căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, nhiệm vụ đã được ban hành và tình hình thực tế, yêu cầu các công ty được cấp phép khai thác cát phải chịu trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở có biện pháp giám sát, theo dõi tàu thuyền được phép ra, vào khu vực mỏ; không được khai thác ngoài phạm vi khu vực mỏ đã được cấp phép.
Nghiêm chỉnh chấp hành đăng ký phương tiện ra, vào mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát; đăng ký kế hoạch khai thác với Sở TN và MT. Giám sát các phương tiện ra, vào khu vực mỏ cấp phép đảm bảo chỉ những phương tiện đã được đăng ký và có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở TN và MT mới được phép ra, vào khu vực mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát.
Mọi sự thay đổi về quy trình công nghệ khai thác, phương thức khai thác, phương tiện khai thác, số lượng tàu khai thác phải được đăng ký bổ sung bằng văn bản và được Sở TN và MT chấp thuận mới được tổ chức thực hiện. Không được khai thác vượt quá công suất, vượt quá độ sâu cho phép.
Theo Sở TN và MT, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản để tăng thu cho ngân sách Nhà nước; đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TN và MT trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm soát các bến bãi tập kết cát, kiểm tra nguồn gốc khoáng sản vì đây là khâu quan trọng để chặt đứt đường dây khai thác, tiêu thụ cát trái phép. Về lâu dài, khuyến khích và nghiên cứu để sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát khai thác tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm