Tỉnh Nam Định đang quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an ninh trật tự ngày càng đáp ứng cao nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
>>>Nam Định: Doanh nghiệp sôi nổi sản xuất với kỳ vọng mới
Dành nguồn lực lớn
Nam Định hiện có các KCN khá gần với các sân bay, cảng biển trọng điểm của Việt Nam; nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cơ bản thuận lợi, phù hợp với nhu cầu, quy mô đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN để tạo mặt bằng cung ứng cho các doanh nghiệp thứ cấp thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tập trung huy động tối đa các nguồn lực từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu, CCN; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh vùng Nam Đồng bằng sông Hồng như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh...
Ngoài ra, địa phương này đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động giúp đỡ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội tại tỉnh và giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, công tác thu hút mới các nhà đầu tư luôn được địa phương chủ động với hàng loạt các điều kiện thuận lợi, có sức hấp dẫn. Trong đó, chủ động lập và thực hiện hiệu quả các quy hoạch; hiện đang khẩn trương hoàn tất lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã tích hợp một cách khoa học, đồng bộ tất cả các quy hoạch thành phần như điện, nước, viễn thông, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh và đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch.
>>>Nam Định: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển
Cũng theo ông Nghị, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy đang được tỉnh Nam Định đẩy mạnh đầu tư; riêng giao thông đường bộ trong 3 năm tới sẽ tương đối hoàn thiện kết nối thông suốt đến các sân bay, cảng biển của các trung tâm vùng và quốc gia, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Nam Định cũng là một trong những địa phương đạt chất lượng cung ứng tốt nhất trên toàn quốc về hạ tầng điện lực, viễn thông. Một số KCN còn quỹ đất thu hút nhà đầu tư thứ cấp gồm: Dệt may Rạng Đông, Bảo Minh mở rộng, Mỹ Thuận, Trung Thành, Hồng Tiến…
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông, đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông, kể từ khi tiếp cận, triển khai đầu tư xây dựng KCN đến nay, các khó khăn vướng mắc về hoàn tất thủ tục, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh công năng sử dụng đất nội bộ KCN… đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định hỗ trợ. Vì vậy, phía công ty đã đẩy mạnh thi công đảm bảo kịp thời cung ứng hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận được sự hỗ trợ tối đa của tỉnh trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào thuê mặt bằng tại KCN.
Kỳ vọng tạo đột phá
Theo đại diện tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các khu, CCN đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch.
Theo ông Phạm Đình Nghị, để cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, tỉnh Nam Định sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Mặt khác, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư và sớm hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư…
>>>Nông nghiệp Nam Định thời công nghệ số
Được biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định đã triển khai mở rộng, xây dựng mới 9 CCN với diện tích 316,66ha, lũy kế đến nay có 26 CCN với tổng diện tích 626,6ha; triển khai mở rộng, xây dựng mới 3 KCN với diện tích 706,68ha, lũy kế đến nay có 6 KCN với diện tích 1.288,72ha được đầu tư xây dựng. Việc coi trọng cơ sở hạ tầng và quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, tinh giản thủ tục và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về với tỉnh, đã và đang thể hiện sự nhanh nhạy, đổi mới về tư duy trong công tác xúc tiến thu hút đầu tư phát triển của tỉnh Nam Định.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện, hiện nay, môi trường đầu tư của Nam Định rất thông thoáng, cởi mở với sự tích cực tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của nhà nước từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng.
Cũng theo ông Hoàng, trong quá trình khảo sát đầu tư tại tỉnh Nam Định, phía tập đoàn nhận thấy Nam Định là mảnh đất có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, kinh tế biển.
Chỉ tính trong năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Nam Định ước đạt 50.075 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2022 là 5.556,238 tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm