Nam Định: "Tiếp sức" cho xuất khẩu

Diendandoanhnghiep.vn Nam Ðịnh hiện có 49 doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều làng nghề truyền thống, mang đặc trưng riêng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Đây chính tiềm năng để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thế giới.

>>> Nam Định: Chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng khoa học và công nghệ

Gỡ khó...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh có 49 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trên nhiều lĩnh vực như dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản xuất dược liệu, chế biến nông sản, thực phẩm và rau quả, máy cơ khí, gang đúc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

So cùng kỳ năm trước, giá trị hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 giảm 11,7%, đạt 754 triệu USD. Trong đó: Các doanh nghiệp Trung ương giảm 35%, ước đạt 13 triệu USD; các doanh nghiệp địa phương giảm 18,5%, đạt 200 triệu USD; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,1%, đạt 541 triệu USD. 

Bà Dương Thị Thoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên) chia sẻ: Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, trước ảnh hưởng của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ hiện đang gặp khó khăn. Đơn hàng những tháng gần đây của Công ty sụt giảm tới 30%, vì vậy, Công ty phải duy trì sản xuất cầm chừng dù không xuất được, chấp nhận hàng tồn kho nhưng ổn định việc làm, đảm bảo có thu nhập và đời sống tối thiểu để giữ chân lao động, hy vọng thị trường hồi phục.

Khi đó doanh nghiệp có thể tổ chức tăng tốc sản xuất ngay. Tuy vậy, việc cầm cự của các doanh nghiệp là hết sức khó khăn vì thị trường giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến nguy cơ lượng hàng tồn kho cả vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra tăng cao. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp không chỉ cần vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động mà còn cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc, chẳng hạn như thực hiện việc chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp dệt may, da giày thì dự báo từ nay đến hết năm 2023, thậm chí sang đầu năm 2024 toàn ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn, thị phần sản phẩm ngày càng thu hẹp, do có thêm nhiều nhà cung cấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp. Xuất khẩu dệt may, da giày sang các khu vực, thị trường cũng đều sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường châu Mỹ, châu Âu...

Nam Ðịnh hiện có 49 doanh nghiệp xuất khẩu, và nhiều làng nghề truyền thống, mang đặc trưng riêng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Đây chính tiềm năng để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thế giới (ảnh báo Nam Định)

Nam Ðịnh hiện có 49 doanh nghiệp xuất khẩu, và nhiều làng nghề truyền thống, mang đặc trưng riêng của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Đây chính tiềm năng để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thế giới (ảnh báo Nam Định)

Theo đánh giá của ngành Công Thương, nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu suy giảm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Trong khi đại đa số các doanh nghiệp của tỉnh đang ngày càng  hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa; đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày… chỉ cung ứng 10% sản lượng cho nhu cầu nội địa, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao và không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng...

Mặt khác, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, tỷ lệ doanh nghiệp nội tỉnh xuất khẩu thông qua trung gian hoặc dịch vụ logistics còn cao. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phản ánh vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trình tự kiểm tra chuyên ngành phức tạp, quá nhiều danh mục hàng phải kiểm tra, và cũng có nhiều mặt hàng thuộc quản lý từ 2 bộ, ngành trở lên.

Một điểm nghẽn lâu được khắc phục là trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay chưa áp dụng việc công nhận lẫn nhau, thừa nhận chất lượng hàng hóa của nước ngoài, áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành. Đáng kể, doanh nghiệp của tỉnh mất nhiều chi phí thời gian và tiền hơn các doanh nghiệp tỉnh bạn do Nam Định chưa có điểm được uỷ quyền thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), loại chứng từ quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết quốc tế.

Cần đẩy mạnh...

Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3.300 triệu USD trở lên nhưng 4 tháng đầu năm mới đạt 754 triệu USD; vì vậy, áp lực cho những tháng cuối năm là rất cao. Trong bối cảnh dự báo nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai mở thị trường xuất khẩu.

Mới đây, tỉnh cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương phân cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương trong việc cấp thủ tục xuất xứ hàng hóa (C/O), Bộ Công Thương chỉ hậu kiểm, để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp; đề xuất Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều hành tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, nhất là gói tín dụng theo chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên cho lĩnh vực xuất khẩu; nghiên cứu có chính sách khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, Nam Định với gần 100 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều làng nghề nổi danh trong khu vực như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên (Ý Yên), cơ khí Vân Chàng (Nam Trực), cơ khí Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), tỉnh Nam Ðịnh chủ trương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh ra thị trường tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Theo Sở Công thương, một trong những mặt hàng đang có thị phần xuất khẩu lớn ở Mỹ, châu Âu là sản phẩm gia dụng làm bằng tre, nứa ghép. Ước tính, có tới vài chục doanh nghiệp ở các xã Yên Tiến, Yên Hồng (huyện Ý Yên), Liên Minh (huyện Vụ Bản) chuyên làm hàng tre, nứa ghép, thêu, móc hộp sợi, sản xuất máy nông cụ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.

Kiểm tra sản phẩm ngao xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam - Khu công nghiệp Hòa Xá (ảnh báo Nam Định)

Kiểm tra sản phẩm ngao xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam - Khu công nghiệp Hòa Xá (ảnh báo Nam Định)

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, nhất là Sở Công Thương, phải gia tăng kết nối với các bộ, ngành, các đơn vị trên Trung ương trong đẩy mạnh khai thác các thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tăng cường nắm bắt, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt nhanh, đúng, trúng thông tin các thị trường nhập khẩu tiềm năng; chú trọng nghiên cứu luật pháp quốc tế, luật pháp của nước sở tại để làm tốt chức năng phòng vệ thương mại trong các vụ việc có tranh chấp giữa doanh nghiệp với đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới.

Có thể thấy, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Nam Ðịnh vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng hàng xuất khẩu thấp. Hàng gia công và sơ chế vẫn chiếm chủ yếu; hàng nông sản, thủy sản, thịt và rau quả chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong cán cân xuất khẩu. Qua tìm hiểu, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô sản xuất vừa và nhỏ nên nguồn lực con người, vốn, công nghệ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, chủ yếu phải xuất ủy thác qua một đơn vị trung gian ở địa phương khác làm cho nguồn thu từ xuất khẩu của tỉnh bị phân tán.

Hoạt động xúc tiến thương mại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, mới chỉ dừng lại ở việc thu thập, xử lý thông tin mà chưa có nguồn quỹ để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư theo đúng định hướng, đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phục vụ chiến lược mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.

Thời gian qua, một số hộ sản xuất tại làng nghề thủ công bắt tay vào đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nhưng hầu hết là quy mô nhỏ nên tính cạnh tranh không cao. Để tăng cao xuất khẩu ngoài nỗ lực của phía chính quyền và ngành chức năng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cơ cấu mạnh mẽ trong các khâu quản trị, tổ chức sản xuất, tiết giảm chi phí; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nam Định: "Tiếp sức" cho xuất khẩu tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714006865 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714006865 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10