Năm thay đổi quan trọng của dự thảo Luật Doanh nghiệp

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 19/11/2019 15:10

Sau hơn 3 năm thực thi, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.

Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ, như: Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Do đó, Luật Doanh nghiệp đã đang được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục các khiếm khuyết nói trên.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho thấy có 05 thay đổi lớn như sau.

một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.

Một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.

Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường

Gia nhập thị trường được hiểu là toàn bộ quá trình lúc nhà đầu tư bắt đầu thực hiện thủ tục đến lúc có thể tiến hành kinh doanh. Nếu đo lường bằng số thủ tục và thời gian, thì theo quy định hiện hành ở nước ta bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 20 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ và thời gian chờ.

So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng thế giới năm 2019, nước ta được xếp hạng thứ 104 trên 190 quốc gia và nền kinh tế (xem hình dưới).

Với thực trạng này, đòi hỏi cải cách là rất lớn và cần có một cải cách mạnh mẽ trong cắt giảm thủ tục thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện toàn diện cải cách này cũng đòi hỏi không chỉ sửa luật doanh nghiệp mà cả pháp luật có liên quan về thuế, lao động.

Tuy nhiên, trong khung khổ của Luật Doanh nghiệp, sửa đổi cơ bản bao gồm:

Bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết, gồm: Thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp...

Bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

Thứ hai, nâng cao khung khổ pháp luật bảo vệ nhà đầu tư

Bảo vệ cổ đông là một nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và thông qua đó sẽ thúc đẩy và huy vốn động đầu tư. Nguyên tắc quan trọng của cơ chế bảo vệ cổ đông là đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp không bị chiếm đoạt bởi cổ đông lớn hoặc người quản lý công ty; xung đột lợi ích trong công ty phải được kiểm soát; tạo điều kiện dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty khi vi phạm trách nhiệm trong điều hành công ty.

So với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo ra cải cách đột phá về nội dung này. Theo đó, quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014, thứ hạng 169 năm 2013). Mặc dù vậy, nếu so sánh thực trạng hiện nay với các quốc gia xung quanh, thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư theo pháp luật nước ta còn thấp.

Nội dung được đánh giá yếu nhất trong số các nội dung cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở nước ta là các quy định về: Trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan, mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty.

Đối chiếu tiêu chí đánh giá nêu trên đối với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp cho thấy một số bất cập và hạn chế cơ bản về bảo vệ cổ đông như sau:

Một số quy định về quyền cổ đông chưa phù hợp, đã cản trở cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty. Ví dụ, các khoản 2 Điều 114, khoản 4 Điều 149 Luật Doanh nghiệp yêu cầu cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong 06 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT). Yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty, thực hiện quyền của mình.

Các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý do vi phạm trong điều hành công ty hoặc ngăn ngừa họ ký kết và thực hiện giao dịch gây thiệt hại cho công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hiện không có quyền tiếp cận các thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được quyền tiếp cận các nghị quyết của Hội đồng quản trị… Do không có thông tin, cổ đông khó có thể khởi kiện và càng ít cơ hội khởi kiện thành công người quản lý khi họ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm trong điều hành công ty.

Ngoài ra, một số quy định khác của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp cũng chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, khoản 2 Điều 164 Luật Doanh nghiệp yêu cầu kiểm soát viên công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên là yêu cầu cao hơn so với thực tế; do số lượng kiểm toán viên, kế toán viên đã có chứng chỉ, đáp ứng đủ yêu cầu Luật Doanh nghiệp là không nhiều.

Để khắc phục khiếm khuyết nêu trên và nâng cao khung khổ quản trị công ty theo chuẩn mực thông lệ quản trị tốt khu vực và thế giới, Luật Doanh nghiệp có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây :

Sửa đổi thời hạn góp vốn điều lệ bằng máy móc, thiết bị, tài sản khi thành lập doanh nghiệp theo hướng quy định thời hạn 90 ngày phải góp đủ vốn Điều lệ không bao gồm thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông. Ví dụ, sửa đổi các khoản 2 Điều 114, khoản 2 Điều 135, khoản 4 Điều 149, khoản 1 Điều 161 để mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình, như: bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định; bổ sung quyền cho Đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao HĐQT, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập; bổ sung khoản 4 Điều 115 để quy định rõ trách nhiệm của cổ đông trong việc bảo mật các thông tin mà cổ đông có quyền được xem xét, tra cứu, trích lục từ công ty nhằm tránh và ngăn ngừa cổ đông lạm dụng quyền tiếp cận thông tin của mình....

Giao quyền cho chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên (không phải là doanh nghiệp nhà nước) quyết định và lựa chọn cơ chế kiểm soát công ty phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập Ban kiểm soát như quy định hiện hành.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động Doanh nghiệp nhà nước

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ ở nước ta. Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (sau  đây gọi tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TW).

Đánh giá chung thì về cơ bản, quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đã phản ánh và thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhưng, chưa đầy đủ, cụ thể là:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước mới chỉ bao gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chưa có quy định xác định loại doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối.

Thêm vào đó, các quy định về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại để bổ sung, sửa đổi để thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, trong đó gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu chi phối vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (như Nghị quyết Trung ương 5 đã nêu trên).

Do đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước như sau:

Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó. Theo đó, khái niệm DNNN được sửa đổi để bao gồm cả 2 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty TNHH, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ, tăng  mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của DNNN, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng không người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp)...

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp và tấm áo mới cho hộ kinh doanh

    04:50, 15/11/2019

  • Luật sư “mách kế” bảo vệ quyền của cổ đông nhỏ qua Dự thảo Luật Doanh nghiệp

    20:48, 23/10/2019

  • Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): “Rộng cửa” cho 5 triệu hộ kinh doanh

    10:25, 20/10/2019

Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh

Theo quy định hiện hành, khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong có nội dung về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, đánh giá các quy định này đã cho thấy một số khiếm khuyết như: Hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.  

Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, bao gồm các Điều 187b, 187c và 187d, 187đ và 187e (thay thế khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp). Nội dung và nguyên tắc cơ bản của quy định về hộ kinh doanh như sau:

Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh;

Quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).

Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại doanh nghiệp

Thực tiễn thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy quy định về nội dung này có một số bất cập, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể là:

Quy định về chia doanh nghiệp và tách doanh nghiệp (các Điều 192 và 193) không bao quát được hết các phương thức, các trường hợp chia, tách doanh nghiệp trên thực tế; do đó, dẫn đến hạn chế quyền, lựa chọn của doanh nghiệp trong tổ chức lại doanh nghiệp; gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký lại doanh nghiệp sau khi chia, tách doanh nghiệp.

Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 có nhiều nội dung thay đổi và nội dung mới so với Luật Cạnh tranh năm 2005 liên quan đến sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định tại các Điều 194 và 195 của Luật Doanh nghiệp được xây dựng dựa trên nội dung Luật Cạnh tranh 2005; do đó, không còn tương thích với quy định mới của Luật Cạnh tranh năm 2018.

Theo quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể chuyển đổi thành công ty TNHH; không thể chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần. Do đó, doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần thì phải thực hiện một thủ tục hành chính ‘trung gian’ – tức là chuyển đổi thành công ty TNHH và sau đó chuyển đổi từ công ty TNHH mới đó thành công ty cổ phần. Thủ tục hành chính trung gian (chuyển doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH) trong trường hợp này hoàn toàn không có ý nghĩa, nhưng tốn kém thời gian, chi phí và thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, các quy định trong chương tổ chức lại doanh nghiệp dự kiến được sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành); chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.

Mục tiêu tổng quát việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp là xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ dựa trên nguyên tắc là tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật Doanh nghiệp gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm thay đổi quan trọng của dự thảo Luật Doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO