Mặc dù những năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển đột phá vẫn còn rất nhiều nỗ lực và thách thức
Lễ công bố và trao chứng nhận Doanh nghiệp có Năng lực quản trị - Năng lực tài chính tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam được tổ chức vào chiều ngày 23/9/2019 tại Hà Nội.
Chương trình nhận được chỉ đạo của VCCI, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp tổ chức.
Năng lực quản trị của doanh nghiệp chưa có sự đồng đều
Trao đổi tại Diễn đàn Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam 2019 trong khuôn khổ lễ công bố chiều 23/9, PGS. TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp nhận định, các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã dần quan tâm đến việc xây dựng cách thức quản trị một các bài bản.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có kết quả không tốt hoặc chỉ ở mức trung bình và phần nhiều trong số đó có nền quản trị không vững vàng. Lãnh đạo ở các doanh nghiệp này vẫn còn nhầm lẫn giữa quản trị và quản lý.
Có thể bạn quan tâm
17:00, 23/09/2019
16:22, 23/09/2019
10:30, 23/09/2019
Đáng chú ý, việc chuyển đổi số là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp nhưng mức độ đầu tư nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số của một số doanh nghiệp còn hạn chế.
Cụ thể, ông Quân cho biết, thông qua việc khảo sát trên 600 doanh nghiệp được lựa chọn và đánh giá theo từng khu vực và lĩnh vực khác nhau, có thể thấy năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt đang ở nhiều mức độ khác nhau, chưa có sự đồng đều.
Đặc biệt, một trong những yếu tố tác động là do năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu. "Hầu như không có doanh nghiệp nào chú trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Do đó, khi xét theo các chỉ số quốc tế vẫn còn ở mức kém. Chính vì vậy, các doanh nghiệp muốn thay đổi phải thay đổi căn bản công tác quản trị", ông Quân cho biết.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về những thách thức phát sinh, thì các giải pháp từ một số Bộ, ban ngành hiện nay đang không hỗ trợ được cho các doanh nghiệp trong việc tiếp nhận các công nghệ mới. Thậm chí còn gây ra sự cản trở nhẹ, nhất là với các doanh nghiệp thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.
Do đó, TS Nguyễn Mạnh Quân đánh giá, để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị trong thời gian tới, cần phải có những đánh giá cụ thể về các chính sách, chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện nay để có những chỉ dẫn và các biện pháp phù hợp sát thực tế.
"Thông qua Bộ Chỉ số BCI, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm được những thông số để điều chỉnh chính sách ngày một tiệm cận hơn nữa với tốc độ phát triển của nền kinh tế; đồng thời, phát huy được các yếu tố năng lực của doanh nghiệp. Mặt khác, bên cạnh việc đánh giá năng lực quản trị tài chính, cần có bộ tiêu chí đánh giá trên các phương diện khác như quản trị khách hàng, bán hàng, năng lực công nghệ…. để có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn", TS Nguyễn Mạnh Quân cho biết.
Cần áp dụng quản lý số, thanh toán điện tử
Đồng quan điểm, theo bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Chi nhánh Hà Nội, để nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là trong việc quản trị tài chính, các giám đốc tài chính nên có kế hoạch sử dụng các dịch vụ quản lý số, thanh toán điện tử để nâng cao chất lượng hoạt động, tiết kiệm chi phí.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn e ngại việc thanh toán điện tử do những vấn đề liên quan tới an ninh mạng. Tuy nhiên, hiện nay một số ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư nâng cấp các phần công nghệ để giúp kết nối nhanh với khách hàng và giảm rủi ro so với phương thức thanh toán truyền thống.
Kinh tế số là một xu thế toàn cầu của thời đại công nghệ 4.0, là cơ hội và cũng là thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, bà Tuệ Anh cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu và ban hành khung pháp lý về chuyển đổi số riêng với ngân hàng số, ví điện tử, cổng thanh toán số… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào quản trị tài chính, hướng tới chuẩn hóa hoạt động theo quy chuẩn quốc tế.
Ông Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán – kiểm toán Việt Nam cũng đưa ra nhận định, việc đánh giá năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp mang tính định lượng, nhờ đó có thể đưa ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Qua đó, có thể “bắt mạch” và “kê đơn” về tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách tương đối chính xác.
Năm 2019, Ban tổ chức sẽ đánh giá thêm năng lực quản trị doanh nghiệp – yếu tố bao trùm để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. "Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không chỉ là vấn đề về công nghệ - mà đó còn là vấn đề về chiến lược và cách tư duy mới. Bộ công cụ BCI sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp nhận biết được tương đối chính xác tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp mình để đưa ra chiến lược cho phù hợp". - ông Thanh nhấn mạnh.