Chính phủ, VCCI hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng các chương trình thiết thực về phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ, phát triển bền vững doanh nghiệp.
>>>Vướng tư duy cũ, lao động trẻ đánh mất cơ hội từ HTX
Tại cuộc Đối thoại về “Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ” bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu hiện nay.
Tổng thư ký VCCI khẳng định sự bền vững của doanh nghiệp là điều cần thiết, và là chìa khóa cho thành công trong dài hạn để đảm bảo rằng sẽ mang lại các giá trị tích cực cho toàn xã hội.
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện ở mức độ tốt nhất thế giới từ vị trí 77 lên vị trí 67/141 nền kinh tế trên thế giới. Đáng chú ý, trong số 12 trụ cột và 103 tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, trụ cột về kỹ năng tăng 4 bậc, đặc biệt tiêu chí về chất lượng đào tạo nghề tăng 13 bậc. Năng suất lao động Việt Nam trong nhiều năm qua có cải thiện trong khu vực ASEAN, đạt bình quân 4,77%/năm chứng tỏ trình độ kỹ năng người lao động đã từng bước được cải thiện và nâng lên.
“Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ”, bà Trần Thị Lan Anh cho biết.
Theo số liệu báo cáo tình hình lao động việc làm Quý IV năm 2021 của Tổng Cục thống kế cho thấy Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “lao động vàng”, khi mà dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số.
“Đây là cơ hội để chúng ta phát huy lợi thế này, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 11,91%, tăng 1,33 điểm phần trăm so với năm trước, nhìn chung thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt lao động thanh niên cần được đặc biệt quan tâm đào tạo và phát triển nâng tầm kỹ năng”, Tổng thư ký VCCI khẳng định.
Cùng với đó, bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhất là về công nghệ. Do đó, lực lượng lao động trẻ cũng cần phải được nhanh chóng trang bị các kĩ năng mềm, kĩ năng chuyển đổi, kĩ năng số để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Nghiên cứu “Đánh giá thiếu hụt về kĩ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương” do VCCI và UNICEF tháng 09 năm 2020 cũng chỉ ra rằng, “Trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hoá và tự động hoá”.
Cá nhân bà Lan Anh cho rằng, để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Mà muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ và đó cũng chính là lý do của buổi đối thoại ngày hôm nay.
Là tổ chức Quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, VCCI cam kết tiếp tục đồng hành cùng UNICEF xây dựng và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao kỹ năng việc làm cho các bạn trẻ. VCCI kêu gọi sự tham gia và chung tay của tất cả các bên cùng với doanh nghiệp xây dựng những chương trình phát triển kỹ năng việc làm thực sự phù hợp cho các bạn trẻ trong tương lai.
>>>Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động
>>>Các tình huống pháp luật: Những quy định cấm khi xử lý kỉ luật lao động
Với sự tham gia của những đại diện của doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia giáo dục đào tạo, Tổng thư ký VCCI hy vọng những chia sẻ trong buổi đối thoại sẽ gợi ý cho các doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng các chương trình thiết thực về phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ. Đối với các bạn trẻ, tiếng nói của các bạn rất quan trọng, giúp chia sẻ các tâm tư, nguyện vọng, là nguồn thông tin về những sự hỗ trợ mà các bạn cần doanh nghiệp và các cơ quan, các đơn vị, tổ chức liên quan để các bạn xây dựng kỹ năng việc làm trong thời đại với những biến đổi không ngừng về công nghệ, khoa học kỹ thuật này. Đó cũng là điều rất quan trọng giúp các bạn phát triển tốt, và đi xa hơn nữa trong cuộc sống và trong công việc.
Tại buổi trao đổi, bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng môi trường kinh doanh bao gồm các doanh nghiệp, Chính phủ, người lao động đều là đối tác quan trọng trong việc phát triển bền vững doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có thể thể hiện vai trò dẫn đắt thông qua việc đưa trẻ em vào các chương trình phát triển bền vững. Việc tôn trọng quyền trẻ em yêu cầu doanh nghiệp phải phòng ngừa, giảm thiểu mỗi tác động ngay từ chính sách của doanh nghiệp tới trẻ em, quan tâm điều kiện làm việc, an toàn, sức khoẻ, tiếp thị quảng cáo, an ninh,…
“Việc áp dụng các quy định CRBP – Nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam giúp giảm tác động tới doanh nghiệp mà còn thực hiện các bước tiếp theo trong thực hiện quyền trẻ em, thúc đẩy những điều tích cực với trẻ em”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.
Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết đã thiết kế thử nghiệm các phương pháp học tập phát triển nghề nghiệp dựa trên các thông lệ quốc tế tốt, có thể mở rộng trên quy mô lớn hơn từ hệ thống đào tạo chính thức và không chính thức.
Nghiên cứu cho thấy nhiều thanh niên trẻ Việt Nam thiếu kỹ năng lao động như kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm,…những kỹ năng giúp lao động trẻ bổ trợ kỹ năng công việc. Từ thực tế đó, bà Lesley Miller cho rằng với người trẻ không chỉ là khi vào trường cấp 3 và đại học mà các kỹ năng này phải được trang bị từ độ tuổi rất nhỏ và phát triển dần sau đó bởi nó là các kỹ năng quan trọng khi trưởng thành.
Đặc biệt, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cải thiện kỹ năng cho lao động thanh niên. “Khu vực tư nhân có nguồn lực và sự sáng tạo để kết hợp với Chính phủ và thanh niên để cải thiện và phát triển thị trg lao động. Cùng với doanh nghiệp, lao động trẻ sẽ mang sự tươi mới sáng tạo để thay đổi sự phát triển của thế giới. Bối cảnh hiện nay sự thâm dụng lao động là không còn phù hợp”, bà Lesley Miller nhấn mạnh.
Đại diện UNICEF cảm ơn VCCI - đối tác chiến lược của UNICEF và hi vọng những nỗ lực chung này sẽ giúp lao động trẻ của Việt Nam có cơ hội phát huy hết tiềm năng lợi thế.
Trong khi đó, chia sẻ thông điệp từ Dự án “Lao động không phải việc của trẻ em” ông Lambert Wassink – Quản lý Chương trình WNCB, Uỷ ban quốc gia Hà Lan cho biết mục tiêu để lao động trẻ được thực hiện quyền lao động chính đáng, chung tay thực hiện các chương trình phát triển bền vững như học tập suốt đời.
Ông Lambert Wassink cho biết, trên thế giới hiện nay có tới 1/10 trẻ em gặp các vấn đề liên quan vấn đề lao động, Vậy làm sao đẻ trẻ em có thể tiếp tục quay lại trường học với những kỹ năng và trang bị kiến thức.
“Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, ngành giáo dục mà là của tất cả mọi người, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp, trẻ em cũng chính là những người lao đông tương lai, những chủ doanh nghiệp tương lai”, ông Lambert Wassink nói.
Tại Việt Nam, Đại diện Uỷ ban quốc gia Hà Lan cho biết đã phối hợp với VCCI, các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận để đánh giá, nghiên cứu, vận động chính sách tao môi trường thuận lợi tốt đẹp hơn cho trẻ em hướng tới nâng cao tầm hiểu biết về quyền trẻ em, các cam kết và chương trình thực hiện để tôn trọng và hỗ trợ quyền trẻ em ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
15:02, 27/09/2022
15:36, 24/09/2022
04:35, 20/09/2022
04:05, 20/09/2022