Theo Chủ tịch Lux Group, ngành du lịch cần phải có những giải pháp tổng thể thu hút khách quốc tế cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương.
Chia sẻ với DĐDN, chuyên gia Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group cho biết, với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, nếu không hành động ngay thì e rằng ngành Du lịch sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
- Thưa ông, ở góc độ doanh nghiệp, ông có bình luận về du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Có thể nói ngày 15/03/2022 thời điểm du lịch Việt Nam mở cửa đã đánh một dấu mốc quan trọng, mở toang cánh cửa hồi sinh cho ngành du lịch Việt Nam. “Tiếng trống” từ Chính phủ đã đánh thức toàn bộ hệ sinh thái của ngành du lịch sau “kỳ ngủ đông” chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, con số thống kê khách du lịch này vẫn còn thấp rất nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cải thiện, song chưa đạt được như kỳ vọng đã đặt ra yêu cầu là cần có thêm nhiều chính sách thông thoáng, đổi mới cách làm để việc thu hút khách quốc tế đạt hiệu quả hơn nữa.
- Để chấm dứt tình trạng “đi trước về sau”, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần "mở cánh cửa visa". Quan điểm của ông ra sao và cần hành động cụ thể như thế nào?
Đúng vậy. Chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi về cả số quốc gia miễn, thời gian lưu trú với e-visa, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh linh hoạt, rất có thể du lịch tiếp tục tụt lại phía sau. Tôi mong muốn có thể chế, chính sách rõ ràng như có chính sách miễn visa đến 30 ngày vào ra nhiều lần cho những nước đã miễn visa, hoặc visa điện tử cho tất cả các quốc tịch còn lại bằng nhiều ngôn ngữ, lấy và trả tiền thuận tiện và visa on arrival nhanh chóng. Cần mạnh dạn thực thi chính sách visa vàng, lưu trú 3 đến 6 tháng cho khách muốn đến sống, lưu trú và tiêu tiền tại Việt Nam.
- Để hiện thực hoá mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023, từng bước đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh, Du lịch Việt Nam cần có những giải pháp chiến lược ra sao, thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần định vị thương hiệu quốc gia du lịch, lấy di sản văn hóa và thiên nhiên là khác biệt độc đáo. Du lịch Việt Nam cần phát huy thế mạnh là du lịch biển đảo, du thuyền, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ, giàu truyền thống văn hóa. Phát triển điểm đến du lịch theo hướng du lịch bền vững, hướng đến các điểm đến không ô nhiễm, quản lý tốt điểm đến, điểm đến đem lại nhiều cảm xúc, nhiều trải nghiệm để khách tận hưởng từng khoảnh khắc, và chỉ mang về những kỉ niệm đáng nhớ.
Thứ hai, những người làm du lịch cần xuất phát từ tâm, sự hiếu khách và lấy khách hàng làm trung tâm thỏa mãn họ. Thái độ chiều khách của người làm du lịch gây thương nhớ để du khách tiếp tục quay lại.
Thứ ba, với dịch vụ mua sắm và giải trí, Du lịch Việt Nam còn thiếu sản phẩm du lịch mua sắm và giải trí để đáp ứng mọi nhu cầu du khách. Do đó cần làm phong phú, đa dạng những dịch vụ này để làm sao khách có cơ hội tiêu tiền, khách mua cạn túi tiền vẫn muốn mua tiếp. Các hoạt động trình diễn nghệ thuật cần kiếm tiền từ kinh tế sáng tạo, hình thành công nghiệp văn hoá; luôn đổi mới sáng tạo, số hoá vị nhân sinh và trải nghiệm khách du lịch….
Làm được những điều trên, tôi tin rằng Việt Nam không lâu nữa cũng không thua kém gì so với du lịch Thái lan và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm