Năng lực nghe

NGÔ TỰ LẬP (VIỆN QUỐC TẾ PHÁP NGỮ - ĐHQGHN) 31/05/2020 13:00

Một trong những điểm yếu của người Việt là thiếu cái khả năng nghe. Điều này thật đáng quan tâm, vì thiếu khả năng nghe thì sẽ không thể tiếp thu, trải nghiệm, học hỏi.

Nếu để ý, chúng ta có thể thấy rằng điểm yếu này tồn tại ở tất cả các giới, và dường như càng cao tuổi càng thêm trầm trọng.

Tôi xin lấy ví dụ là một việc xảy ra cách đây mấy hôm, nhưng giống hệt những việc đã xảy ra rất nhiều lần với cá nhân tôi. Một người bạn định đến nhà chơi, cần chỉ đường. Bạn đi từ phía Hà Nội sang. Vì đã có rất nhiều kinh nghiệm, sau khi giải thích, tôi gửi một tin nhắn: “Qua cầu Nhật Tân, rẽ phải ngay, lên đê, đi 5 km xuôi về phía cầu Đông Trù, thấy cây gạo trên đê. Đi thêm 200 mét, nhà tôi dưới chân đê, bên trái, cạnh cổng xóm”. Tôi dặn đi dặn lại là đọc cho kỹ. Thế nhưng một lúc sau ông bạn gọi: “Nhà ông ở đâu nhỉ? Tôi đến gần sân bay Nội Bài rồi”.

Tôi rất ngạc nhiên: “Ông không đọc tin nhắn à?”. Ông bạn trả lời: “Ôi, tôi quên không đọc”. Tôi lại giải thích, nhưng chưa nghe xong ông bạn đã dập máy. Tôi lại gửi một tin nhắn khác, nhưng lần này ông bạn lại phi một mạch lên cầu Thăng Long. Đến gần trưa, ông bạn mới đến nơi và cười rất tươi: “Xin lỗi. Tôi chỉ mới đọc đoạn đầu!”.

Vấn đề thiếu khả năng nghe của người Việt, chúng ta có thể thấy tại các buổi sinh hoạt tập thể. Tôi nhớ, tại một buổi lễ kỷ niệm 40 năm ra trường, MC giới thiệu một cô giáo hơn 80 tuổi lên phát biểu. Giọng cô rất yếu và run. Nhưng khi cô nói, chẳng có ai nghe. Cả sân trường ầm ầm như một cái chợ. Tôi nhiều lần đứng lên đề nghị mọi người im lặng để nghe cô giáo nói, nhưng không ăn thua. Cuối cùng mọi người vỗ tay rào rào khi cô phát biểu xong mà chẳng biết cô nói gì.

Khi đánh mất khả năng nghe, đánh mất khả năng đối thoại, chúng ta tự đóng kín quá trình học hỏi, tự làm mình nghèo đi, lạc hậu đi so với cuộc sống.

Nhìn chung, trong các cuộc tranh luận, người Việt phần lớn chỉ chờ đến lượt để nói mà không bao giờ nghe người khác nói. Tại các hội nghị khoa học, các nhà nghiên cứu Việt Nam có thói quen đến phiên mình phát biểu mới đến, và phát biểu xong là bỏ đi ngay. Họ không hề áy náy: khi họ nói thì người khác nghe, đến khi người ta nói thì họ không nghe. Vì thế, nếu hội nghị diễn ra trong cả ngày thì đến phiên buổi chiều, hội trường thường gần như trống rỗng.

Thiếu khả năng nghe là vấn đề không chỉ có ở những người bình thường, mà còn ở cả những người có học vị hoặc ở những người có vị trí rất cao trong xã hội. Tôi nhớ một kỷ niệm. Năm 2007, tôi đang công tác tại Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Một hôm anh Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm khoa, nói với tôi: “Anh em mình phải đi ngay. Giáo sư H. muốn giúp khoa mình trong việc mở rộng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế”. Giáo sư H. là một người cực kỳ nổi tiếng, gần như là một biểu tượng của giới trí thức Việt Nam.

Khi tôi và anh Do đi đến phòng làm việc của giáo sư H., ông đang vung tay cao đàn khoát luận với những cán bộ cấp dưới. Sau khoảng nửa tiếng đứng nghe bài giáo huấn của vị giáo sư, chúng tôi được ông mời ngồi: “Xin chào hai anh. Tôi không có nhiều thời gian đâu. Tôi cho các anh xem những gì người ta nói về tôi.

Đây!”. Ông đưa cho chúng tôi một tập photocopies: những tờ rơi, những bài báo giới thiệu ông với tư cách một nhà nghiên cứu Việt Nam xuất sắc, đã từng đến dự hội thảo nọ, hội thảo kia... Thì ra, đó chỉ là những lời giới thiệu khá thông thường. Điều đáng kinh ngạc, và tôi cảm thấy hơi buồn cười, là ông vô cùng say sưa, phấn khích với những tờ giới thiệu đó.

Lại thêm khoảng ba mươi phút về đủ các loại sự kiện mà ông đã từng tham gia. Rồi ông đột ngột ngừng lại: “Bây giờ tôi không có thời gian, nhưng mà tôi nói với các anh như thế này. Các anh rất là quan liêu. Quan liêu lắm. Các anh không biết rằng người dân Việt Nam bây giờ không nghèo lắm đâu. Bây giờ họ nhiều tiền lắm. Có người thậm chí có thể cho con ra nước ngoài du học tự túc. Chứ các anh cứ tưởng họ nghèo à?

Xin nói rõ là anh Do có mấy đứa con đều du học ở nước ngoài. Nhưng vị giáo sư không quan tâm. Ông cứ nói mãi một điều: “Các anh rất là quan liêu. Nếu các anh muốn, tôi sẽ giúp các anh. Có nhiều cơ hội hợp tác lắm, nhưng các anh có muốn hợp tác cũng không được, không ai hợp tác với các anh đâu. Phải có lời nói của tôi. Nếu các anh muốn thì tôi hướng dẫn cho các anh.

Các anh có thể hợp tác với nước ngoài để có thể tuyển sinh, dạy bằng tiếng nước ngoài, rồi cấp bằng nước ngoài. Cái này người ta gọi là « du học tại chỗ ». Các anh muốn làm người ta cũng sẽ không làm với các anh đâu. Nhưng nếu tôi giới thiệu, nếu các anh bảo là được tôi giới thiệu, thì người ta sẽ làm, sẽ hợp tác với các anh. Vì sao? Vì đây là sự giới thiệu của giáo sư H.” Và ông lại quay lại với tập photocopies và những lời ca ngợi bản thân mình.

Xin nói rõ một điều: Khoa Quốc tế - ĐHQG Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong việc tổ chức các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, hay còn gọi là du học tại chỗ. Các chương trình này tạo điều kiện cho sinh viên theo học các chương trình đào tạo của ngước ngoài, bằng tiếng nước ngoài và nhận bằng của trường đại học nước ngoài mà không phải rời Việt Nam.

Khi đó, chúng ta còn tổ chức thi “ba chung” và áp dụng điểm sàn trong tuyển sinh đại học. Các chương trình liên kết là một giải pháp cho các em có mong muốn học đại học và có khả năng chi trả, nhưng không đủ điểm để được tiếp nhận vào các trường đại học Việt Nam. Năm 2007, Khoa đã tuyển được hơn một nghìn sinh viên theo học các chương trình liên kết đào tạo.

Sau hơn một tiếng đồng hồ độc thoại, ông bảo: “Thế nhé, tôi không có nhiều thời gian. Các anh cứ về suy nghĩ đi. Nếu các muốn tổ chức các chương trình du học tại chỗ như thế, tôi sẽ hướng dẫn cho các anh. Nếu các anh tự làm thì không ai làm với các anh. Nhưng nếu tôi giới thiệu thì người ta sẽ hợp tác. Thế nhé!” Ông nói và chìa tay. Tôi và anh Do ra về mà không được nói một câu nào.

Sau cuộc gặp đó, tôi cảm thấy rất nghi ngờ về năng lực trí tuệ thật sự của vị giáo sư này. Có thể ông ta đã từng là một người thông tuệ, nhưng khi đánh mất khả năng nghe, ông ta chỉ còn là một kẻ tự kỷ trung tâm lố bịch.

Giáo sư H. là một trường hợp rất điển hình của trí thức, và rộng hơn là của xã hội Việt Nam hiện nay. Đó là một điều rất đáng lo ngại. Khi đánh mất khả năng nghe, đánh mất khả năng đối thoại, chúng ta tự đóng kín quá trình học hỏi, tự làm mình nghèo đi, lạc hậu đi so với cuộc sống. Đánh mất khả năng nghe, chúng ta cũng đánh mất khả năng đồng cảm và lòng khoan dung. Đánh mất khả năng nghe, làm sao chúng ta có thể đoàn kết, hòa giải, có thể phát huy sức mạnh của mọi người vì sự tiến bộ và thịnh vượng của dân tộc?

Có thể bạn quan tâm

  • Khung năng lực cho Founder

    Khung năng lực cho Founder

    05:03, 28/04/2020

  • Nguyên lý Peter - Tại sao nhiều người làm sếp lại thiếu năng lực

    Nguyên lý Peter - Tại sao nhiều người làm sếp lại thiếu năng lực

    13:53, 08/05/2020

  • Nền tảng chia sẻ kỹ năng trực tuyến Việt nhận vốn đầu tư

    Nền tảng chia sẻ kỹ năng trực tuyến Việt nhận vốn đầu tư

    04:19, 27/05/2020

  • 2 kỹ năng quyết định sự nghiệp của bạn!

    2 kỹ năng quyết định sự nghiệp của bạn!

    04:55, 20/05/2020

  • Nền tảng chia sẻ kỹ năng online đầu tiên trên thế giới

    Nền tảng chia sẻ kỹ năng online đầu tiên trên thế giới

    06:08, 15/05/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năng lực nghe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO