Dù rằng năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn ở mức thấp và còn cách khá xa để có thể bắt kịp với các nước trong khu vực.
Bắt đầu từ Đại hội XI (2011) mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng được xác định. Vấn đề tăng năng suất lao động luôn trở thành một trong những điểm nóng được thảo luận khi đề cập đến các chính sách kinh tế vĩ mô. Trong các biến có thể ảnh hưởng đến hàm năng suất này, có lẽ ngành công nghiệp giải trí Việt Nam hiện cũng đang đóng một vai trò không nhỏ.
Năng suất lao động vẫn còn ở mức thấp
Lâu nay, trong các phiên họp Quốc hội cũng như trên các diễn đàn thảo luận chính thống thường xuyên đề cập về các vấn đề kinh tế liên quan đến năng suất lao động. Việc nâng cao năng suất lao động là một trong những mục tiêu quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Về lý thuyết, đây là chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình Harrod-Domar sang mô hình Solow, tức dịch chuyển từ một mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên tăng trưởng vốn và lao động là chính sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào năng suất lao động cao và yếu tố công nghệ.
Tuy nhiên, trong thời gian dài từ khi chủ trương này được thông qua năm 2011 và được thể chế hóa bằng Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, đến năm nay đã qua “hạn chót” của đề án này nhưng những vấn đề nổi cộm mà nó được giao nhiệm vụ giải quyết vẫn còn dang dở. Một trong số đó chính là tăng năng suất lao động.
Đơn cử, theo nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, có một nghịch lý đang xảy ra khi TP.HCM là nơi có năng suất lao động cao nhất cả nước thì cũng chính địa phương này là nơi có số giờ làm việc cao nhất (54 giờ/tuần). Trong khi đúng ra hai đại lượng này phải có sự tương quan nghịch. Điều này cho thấy, dù là nơi có nhịp độ lao động khẩn trương, nhưng lực lượng nhân công tại thành phố này vẫn cần khá nhiều thời gian so với các nước khác để đạt được cùng mức sản phẩm đầu ra.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù rằng năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn ở mức thấp và còn cách khá xa để có thể bắt kịp với các nước trong khu vực.
Có nhiều nguyên nhân rút ra từ các nghiên cứu thực tiễn, ví dụ như: quy mô nền kinh tế nhỏ, chuyển dịch cơ cấu lao động còn vướng mắc; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; trình độ tổ chức, quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực còn bất cập,...
Tuy vậy, có lẽ trong “hàm” chất lượng năng suất lao động của chúng ta hiện nay, các “biến” liên quan đến bản thân nhận thức người lao động chính là nguyên nhân quan trọng tác động đến tình trạng tăng trưởng chậm của năng suất lao động hiện tại. Việc họ đang ý thức như thế nào tới công việc của mình ảnh hưởng không nhỏ đến các nỗ lực thực hiện mục tiêu của các cấp, các ngành cũng như của các doanh nghiệp.
Suy ngẫm từ bức tranh tương đồng
Xem xét ở các quốc gia lân cận có những nét tương đồng về quá trình phát triển kinh tế với chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản, từ xuất phát điểm rất thấp sau chiến tranh, đến nay họ đều có một nền công nghiệp giải trí phát triển đa dạng, đặc biệt là Hàn Quốc.
Điểm chung của họ là sau một quá trình dài “nếm mật nằm gai” để có được nền kinh tế năng động với năng suất lao động cao (tức cơ sở hạ tầng vững chắc) thì nền công nghiệp giải trí ở những quốc gia này mới chớm phát triển và đi lên mạnh mẽ (xây dựng kiến trúc thượng tầng).
Trong trường hợp của Hàn Quốc, bắt đầu từ những năm 1960 khi đất nước tiến hành “thắt lưng buộc bụng” để tập trung phát triển kinh tế. Người dân Hàn Quốc ý thức được phải tích cực tăng gia lao động để kiếm sống. Nhu cầu giải trí không phải mối lưu tâm lớn và gần như chưa có khái niệm gì về ngành công nghiệp này.
Từ giữa thập niên 1980 trở đi, Hàn Quốc bắt đầu được thế giới chú ý như một ngôi sao kinh tế đang lên với năng suất lao động cao. Thời điểm này người dân Hàn Quốc có được điều kiện sống tốt hơn rất nhiều, do đó nhu cầu giải trí đã bắt đầu lớn dần. Nhiều bộ phim truyền hình, phim điện ảnh xuất hiện và lan rộng, lấn sân sang cả các thị trường bên ngoài. Trên lĩnh vực âm nhạc từ chỗ là những bài nhạc phim cho phim truyền hình, phim điện ảnh, đã xuất hiện các ca khúc được trình diễn độc lập và hình thành cả một thương hiệu dòng nhạc mang tên “K-POP” phủ bóng nhiều quốc gia.
Việt Nam hiện nay cũng được thế giới nhìn nhận như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, với con số tăng trưởng dương trong kỷ nguyên Covid-19, đây là một điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc ở thập niên 80, diện mạo nền kinh tế Việt Nam trên góc nhìn đóng góp của ngành công nghiệp giải trí vào GDP còn có điểm khác biệt.
Nếu lấy tỉ lệ đóng góp của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí vào GDP làm tham chiếu thì giai đoạn từ 2010-2019 ở Việt Nam chứng kiến một tỉ lệ tương tự ở Hàn Quốc trong giai đoạn 1980-1989 (ở mức 0,5-0,7% - số liệu từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng TW Hàn Quốc).
Trong cùng giai đoạn tham chiếu đó, theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD thì năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ khoảng 1,64 USD/giờ, trong khi con số này của Hàn Quốc đã là khoảng 7,31 USD/giờ, gấp gần 7 lần chúng ta. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ của Hàn Quốc ở mức hai con số, trong khi Việt Nam chỉ đạt khoảng gần 9%.
Điều đó cho thấy Việt Nam đang trải qua một giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội chưa đến mức cao như Hàn Quốc trong giai đoạn 1980-1989 nhưng lại có kiến trúc thượng tầng tương đồng với Hàn Quốc trong giai đoạn này. Điều này có thể là một cảnh báo cho tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế cũng như các nỗ lực thoát bẫy thu nhập trung bình của nước ta.
Một cách khái quát có thể hiểu rằng, ở những quốc gia trên khi họ đã nâng được mức năng suất lao động lên cao và đẩy nó qua ngưỡng chuyển đổi mô hình Solow thì đồng thời nền kinh tế cũng được đẩy sang ngưỡng trạng thái mới với nhịp độ các hoạt động kinh tế cao mặc định.
Do đó, các thế hệ lao động kế tiếp khi tham gia vào thị trường, họ cũng phải tự nâng năng suất lao động cá nhân lên cao để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn mà khó có gì thay đổi được. Vì vậy, trong nền kinh tế luôn bảo đảm có được một lực lượng lao động với năng suất chất lượng đa số, nhờ đó có thể “an tâm” phát triển các ngành giải trí mà không làm “sao nhãng” các hoạt động kinh tế quan trọng.
Từ những so sánh đó đã gợi ra nhiều điều suy ngẫm đối với bức tranh kinh tế Việt Nam hiện tại với những đường nét ngày càng nổi bật của ngành công nghiệp giải trí trong khi cơ sở hạ tầng - năng suất lao động, chưa đạt được mức kỳ vọng.
Bài 2: Những mối lo hiện hữu
Có thể bạn quan tâm
Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh
11:00, 13/08/2020
Dồn lực nâng cao năng suất lao động quốc gia
02:00, 07/02/2020
Tăng trưởng của Việt Nam chưa tạo được đột phá về năng suất lao động
09:49, 30/10/2019
Vai trò đạo đức hành nghề trong tăng năng suất lao động
04:03, 11/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Năng suất lao động và giá trị thương hiệu
07:12, 19/08/2019
Đột phá năng suất lao động từ doanh nghiệp
05:00, 11/08/2019