Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Trong bức tranh phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang được xem là đòn bẩy quan trọng giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nông sản bản địa.
Đối với Hưng Yên, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Người bạn đồng hành của doanh nghiệp
Nếu ví doanh nghiệp OCOP là những “người thợ lành nghề” đang cố gắng đưa sản phẩm quê hương vươn xa, thì cơ quan nhà nước chính là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy trên chặng đường phát triển đó.
Ông Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hưng Yên (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay, tỉnh đã ghi dấu ấn đáng kể trên bản đồ OCOP quốc gia khi có tới 271 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và công nhận. Trong đó, 225 sản phẩm đạt 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao – là thành quả đến từ 109 chủ thể sản xuất, gồm: 53 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp, 12 tổ hợp tác và 31 hộ kinh doanh.
Đáng chú ý, Hưng Yên đang từng bước hiện đại hóa toàn bộ quy trình phát triển sản phẩm OCOP, từ tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng đến quản lý và truy xuất sản phẩm. Tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa về sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, hướng tới tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia, nhằm minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả quản lý toàn diện.
Kinh tế số nông nghiệp cũng là một trong những trụ cột được tỉnh chú trọng. Ngành Nông nghiệp đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt thông qua các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại; chủ động đa dạng hóa các kênh thương mại điện tử, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như Nanocurcumin, tinh bột nghệ, long nhãn ôm sen, mật ong hoa nhãn, thịt và giò gà Đông Tảo… không chỉ được chuẩn hóa về quy trình sản xuất, mà còn được xây dựng clip giới thiệu, số hóa toàn bộ thông tin, từ câu chuyện sản phẩm đến dây chuyền chế biến. Những sản phẩm này hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart, Shopee, đồng thời được giới thiệu qua fanpage chính thức, cổng thông tin điện tử ngành nông nghiệp, nền tảng Zalo, Facebook và cả TikTok – những kênh giúp OCOP Hưng Yên đến gần hơn với người tiêu dùng trẻ.
“Từng bước đi, từng nền tảng số được thiết lập là minh chứng cho sự thích ứng nhanh nhạy của địa phương, mà còn thể hiện tầm nhìn hiện đại và bền vững trong việc phát triển nông nghiệp – nông thôn. Chương trình OCOP tại Hưng Yên đang trở thành một hệ sinh thái sống động, giàu tiềm năng và lan tỏa”, ông Lê Văn Thắng chia sẻ.
Doanh nghiệp cần “trợ lực” gì để bứt phá?
Không phải là những khẩu hiệu suông, sự đồng hành ấy đã và đang được các doanh nghiệp cảm nhận một cách rõ nét, từ những hỗ trợ cụ thể đến những gợi mở chiến lược lâu dài.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Danh Vị cho biết: “Thời gian qua, doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ thiết thực từ ngành Nông nghiệp của tỉnh. Từ việc được trang bị máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, đến cơ hội tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh – tất cả đều góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều đặt kỳ vọng lớn vào tương lai, nhất là trong bối cảnh Hưng Yên sáp nhập cùng tỉnh Thái Bình. “Việc sáp nhập 2 tỉnh là một cú hích lớn, mở ra dư địa phát triển rộng rãi cho các chủ thể OCOP. Chúng tôi rất mong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là ngành Nông nghiệp, tiếp tục quan tâm hỗ trợ về xúc tiến thương mại và đào tạo ứng dụng khoa học – công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, ông Lê Thanh Phú nói.
Đồng quan điểm, ông Giang Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Tuấn Vũ Foods cho rằng, những hỗ trợ mà doanh nghiệp mình nhận được không chỉ là “đòn bẩy” trong giai đoạn khởi đầu mà còn là nền tảng cho sự phát triển dài hạn.
“Tuấn Vũ Foods là đơn vị tiên phong trong việc đưa gà Đông Tảo, đặc sản của Hưng Yên lên môi trường trực tuyến, đồng thời cũng là doanh nghiệp đầu tiên phát triển dòng sản phẩm chế biến từ gà, phục vụ bữa ăn hàng ngày của người Việt. Chúng tôi xác định rõ chiến lược minh bạch hóa sản xuất bằng hệ thống camera giám sát trực tuyến tại xưởng, đảm bảo sự tin cậy và an toàn cho người tiêu dùng”.
Đặc biệt, năm 2024, doanh nghiệp đã được Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ nhiều mặt: từ cung cấp trang thiết bị, tổ chức hội thảo sản xuất kinh doanh, tập huấn bán hàng thương mại điện tử, đến hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thẩm định OCOP và kết nối với hệ thống siêu thị lớn. Những hỗ trợ đó đã giúp doanh nghiệp tăng doanh số, góp phần nâng cao năng lực quản trị và phát triển thương hiệu bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận tích cực, các doanh nghiệp cũng thẳng thắn đề xuất nhiều kiến nghị để gia tăng hiệu quả và tính lan tỏa của các chương trình hỗ trợ.
Theo ông Giang Tuấn Vũ, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp chính là hạn chế về vốn và khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp. Ông cho biết: “Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực về tín dụng ưu đãi, đồng thời bố trí quỹ đất quy mô nhỏ trong các cụm công nghiệp tập trung, đảm bảo các điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy, để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có cơ hội tiếp cận và phát triển”.
Bên cạnh đó, ông Giang Tuấn Vũ cho rằng: “Các chương trình hỗ trợ hiện nay rất tốt, nhưng mức độ lan tỏa còn hạn chế. Ngành Nông nghiệp nên xây dựng một fanpage chính thức trên các nền tảng xã hội để thường xuyên cập nhật thông tin, chính sách hỗ trợ tới cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân sản xuất OCOP. Đồng thời, tỉnh có thể thiết lập các nhóm tương tác trên Zalo hoặc Facebook, nhằm hỗ trợ pháp lý, giải đáp thủ tục hành chính, chính sách kịp thời, góp phần minh bạch, thuận tiện và đúng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Tin tưởng rằng, khi các doanh nghiệp được quan tâm đúng mức, các chính sách đi vào cuộc sống, chương trình OCOP của tỉnh sẽ không chỉ là niềm tự hào của nông nghiệp địa phương, mà còn là mô hình điển hình trong cả nước về cách Nhà nước – Doanh nghiệp đồng hành cùng nhau vì sự phát triển chung.