Nền kinh tế mới nổi sẽ “trỗi dậy”

THY HẰNG thực hiện 02/01/2021 11:00

Chia sẻ với DĐDN, TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nhận định, năm 2021 là năm hồi phục của nền kinh tế thế giới khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

sd

Khi sự phục hồi kinh tế được củng cố, các chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng cần được từng bước gỡ bỏ.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế thế giới sẽ diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, trong đó các nền kinh tế mới nổi được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng.

- Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ phục hồi theo hình chữ V. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ hồi phục theo hình chữ V khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi. Bởi cuộc khủng hoảng này là cuộc khủng hoảng mang tính ngoại sinh khiến “đoàn tàu” kinh tế dừng lại, khi vắc xin ra đời – tức “đường ray” được sửa thì kinh tế sẽ hồi phục rất mạnh.

Tôi dự tính, đến mùa hè năm 2021, đại dịch sẽ được kiểm soát, tiêu dùng sẽ tăng vọt trở lại. Đơn giản hình dung như quý III/2020, khi mùa hè tới kinh tế Mỹ đã bật ngược trở lại tăng trưởng tới 33,5%, trong khi GDP quý II/2020 giảm 31%,… Tuy nhiên sau đó, khi làn sóng COVID thứ hai ập đến, khiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Nhiều tổ chức đã đưa ra dự báo kinh tế thế giới 2021 sẽ hồi phục, trong đó IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 5,4%, thậm chí dự báo của Morgan Stanley là 6,4%. Nhưng tất cả quá trình hồi phục này phải bắt đầu từ cuối quý II/2021, trong đó tất cả những nền kinh tế mới nổi cũng sẽ dẫn đầu xu hướng phục hồi.

- Ông vừa nói các nền kinh tế mới nổi sẽ dẫn đầu đà phục hồi trong năm 2021, cụ thể như thế nào?

Năm 2021, khi đại dịch được kiểm soát, các nền kinh tế đầu tàu của thế giới sẽ phục hồi nhanh, ví dụ như GDP Mỹ dự báo tăng khoảng 5,9%; EU từ 4,9-5%. Tất cả các nền kinh tế đầu tàu này phục hồi trở lại sẽ tạo sự bùng nổ cho kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, nếu nói về tốc độ hồi phục nhanh nhất, thì phải kể đến các nền kinh tế mới nổi. Đi đầu là Ấn Độ, theo Morgan Stanley, Ấn Độ có thể đạt tăng trưởng tới 9,8%, Trung Quốc 9% và kế tiếp là một số nước ASEAN, trong đó Việt Nam có thể sẽ là một “ngôi sao” với mức tăng trưởng 6-7% do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài, nội lực còn yếu.

Vì sao có được điều này? Bên cạnh yếu tố hưởng lợi về thời tiết, các nền kinh tế mới nổi còn được gọi là các “vùng ngoại vi”, phục vụ của các nền kinh tế đầu tàu, do đó sẽ hồi phục trước và tăng trưởng nhanh do năng động. Các quốc gia này sẽ có các ngành đi trước là dịch vụ, hàng không, giao thông vận tải…, tạo cầu cho các nền kinh tế lớn phục hồi ở chu kỳ sau. Đây là nguyên lý hoạt động của kinh tế.

Hồi phục chậm hơn một chút là Đông Âu và Bắc Mỹ, bởi những khu vực này sẽ có mùa hè đến sau so với các quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ hồi phục theo hình chữ V khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi.

Kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ hồi phục theo hình chữ V khi vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi.

- Triển vọng là vậy, nhưng đến nay, các quốc gia trên thế giới đã tung ra tổng các gói kích thích kinh tế và nới lỏng định lượng trị giá khoảng hơn 20.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế trong đại dịch COVID-19. Theo ông, lạm phát có trở thành nỗi ám ảnh đối với kinh tế thế giới trong năm 2021?

Áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh, nhưng chưa diễn ra trong năm 2021. Bởi hiệu ứng lạm phát khoảng 6 tháng đến 1 năm mới tạo ra được, do đó, phải hết năm 2021, khi các hoạt động bùng phát trở lại, vòng quay kinh tế tăng lên, lượng tiền ùn lên thì hiệu ứng lạm phát mới xuất hiện. Theo tôi, đến đầu năm 2022, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, các NHTW của các nền kinh tế hàng đầu hiện đều có chính sách điều hành “khôn khéo”. Khi nền kinh tế sôi động trở lại, các NHTW sẽ dừng hoặc thu gọn các chương trình QE để hút tiền về, đồng thời cân nhắc nâng lãi suất.

Trong khi đó, các NHTW Châu Á cũng đã tận dụng cơ hội để tăng dự trữ ngoại hối. Điều này góp phần hút đồng nội tệ, giảm áp lực lạm phát, đồng thời củng cố thêm bộ đệm an toàn bên ngoài của các nước này.

Điều tôi đang lo ngại là vấn đề lạm phát của chính Việt Nam. Tôi có cảm giác rằng, chúng ta đang muốn thúc đẩy cung tiền tệ tương đối mạnh, cụ thể hạ lãi suất nhanh và khá dồn dập, có thể còn muốn nâng tăng trưởng tín dụng 13-14%. Trong khi đó, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài, không thể trông chờ vào trong nước. Điều này có thể dẫn tới năm 2021, khi tiền dư thừa, các dòng vốn từ bên ngoài đổ vào, có thể kéo theo điều hành nâng lãi suất-gây sốc cho nền kinh tế và doanh nghiệp không thể làm ăn.

- Vậy Việt Nam cần thực hiện giải pháp nào để tránh vấn đề lạm phát như ông lo ngại?

Cần xác định kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài, tức trông chờ vào xuất khẩu và FDI, trong khi hai đối tượng này chưa thể phát triển thì không thể kích thích kinh tế bên trong như hiện nay. Điều này khiến tiền bị dồn vào những thị trường đầu cơ, làm nảy sinh bong bong tài sản.

Khi sự phục hồi kinh tế được củng cố, các chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng cần được từng bước gỡ bỏ. Chính sách tiền tệ sẽ lại quay về với cách tiếp cận an toàn để cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của khu vực tài chính.

Chúng ta chưa thể nghĩ đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào sự hồi phục của bên ngoài như nói trên. Điều cần làm lúc này là hỗ trợ khu vực sản xuất thông qua mặt bằng lãi suất cho vay, duy trì sự sống cho khu vực sản xuất chờ hồi phục, tránh hỗ trợ “cào bằng” hạ lãi vay cho cả khu vực như bất động sản, có thể dẫn tới đầu cơ tích trữ.

Việt Nam chưa nên nghĩ tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở thời điểm này. Thay vào đó cần thúc đẩy đầu tư công chuẩn bị cho hoàn thiện hạ tầng cốt lõi để thu hút FDI và đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau khi kinh tế thế giới hồi phục. Đẩy nhanh đầu tư công cũng không thể dàn trải, mà cần tập trung vào các hoạt động hoàn thiện cơ sở hạ tầng, logistics…, đồng thời chuẩn bị nhân lực cho ngành giáo dục. Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng, một số lĩnh vực cần chú trọng phát triển sau dịch là kinh tế số. Vấn đề ở đây là để ai làm để có thể phát triển kinh tế số? Chúng ta phải giao cho tư nhân.

Muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số, thì trước tiên NHNN cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho fintech để tạo hành lang pháp lý cho loại hình hoạt động này phát triển một cách bền vững, tránh rủi ro cho hệ thống tài chính- ngân hàng.

TS. Bùi Ngọc Sơn, Chuyên gia kinh tế

Có thể bạn quan tâm

  • Dự báo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới 2020

    Dự báo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế thế giới 2020

    11:32, 19/11/2020

  • Xu hướng kinh tế thế giới mới dưới tác động COVID-19 và cơ hội của Việt Nam

    Xu hướng kinh tế thế giới mới dưới tác động COVID-19 và cơ hội của Việt Nam

    05:05, 09/11/2020

  • Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025

    Chủ nghĩa bảo hộ có thể khiến kinh tế thế giới mất 10 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025

    11:30, 21/09/2020

  • Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới

    Những xu hướng công nghệ mới chi phối kinh tế thế giới

    11:23, 17/08/2020

  • Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc đua trở thành người dẫn dắt kinh tế thế giới?

    Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc đua trở thành người dẫn dắt kinh tế thế giới?

    10:59, 18/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nền kinh tế mới nổi sẽ “trỗi dậy”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO