Việc nâng mức giá tham gia tối thiểu lớn hơn từ 30% - 50% giá trị tài sản đấu giá, không chỉ ngăn chặn “quân xanh, quân đỏ, thổi giá” trong đấu giá, mà còn phòng trừ được những hệ lụy về sau.
>>Sửa Luật Đấu giá tài sản: Còn nhiều băn khoăn về… mức tiền đặt cọc
Đó là nhận định của giới luật gia, xoay quanh nội dung thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đấu giá tài sản.
Tăng tiền đặt cọc để phòng, trừ hệ luỵ…
Theo Luật sư Nguyễn Hải Vân – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “thổi giá, bỏ cọc…” để huỷ kết quả đấu giá là những vấn để nổi cộm và tồn tại từ nhiều năm nay. Luật Đấu giá tài sản đang dần xa vời với thực tiễn, những quy định dường như không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Hay nói đúng hơn là những kẽ hở đang dần rộng ra bởi các quy định của luật, khiến nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia đấu giá một dễ dàng, mặc dù thực lực không có, nhưng vì nhiều mục đích khác nhau, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng trà trộn và miễn sao được tham dự. Điều quan trọng hơn là những đối tượng này khi tham gia sẵn sàng đẩy giá lên cao nhằm mục đích để cho đối phương có trúng đấu giá cũng không có khả năng thực hiện được dự án vì giá trúng quá cao.
Cũng theo Luật sư Vân, xét ở mặt khách thể, không ai mong muốn tham khi tham gia đấu giá để rồi “bỏ cọc”. Song, đôi khi việc đẩy giá lên cao theo tâm lý bị thao túng là “đâm lao phải theo lao”, và đây chính là hệ luỵ dẫn đến các tổ chức, cá nhân khi trúng đấu giá không thể xoay sở được nguồn vốn để triển khai dự án. Và rồi kết quả cuối cùng là đơn vị tổ chức đấu giá, các cơ quan chức năng buộc phải thông báo huỷ kết quả đấu giá.
Điển hình mới đây là vụ đấu giá biển số xe. Mặc dù đơn vị tổ chức đấu giá là ngành công an, nhưng người trúng đấu giá cũng sẵn sàng bỏ cọc. Vậy lỗ hổng trong vụ việc này là gì? Rõ ràng những bất cập xuất phát từ quy định pháp lý; các chế tài chưa đủ mạnh đã dẫn đến nguyên nhân trên.
Hay lớn hơn nữa là vụ đấu giá mỏ cát tại tỉnh An Giang khi đơn vị trúng đấu giá “bỏ cọc”, đã buộc UBND tỉnh An Giang phải ký quyết định hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối với vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.811 tỉ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua.
Mỏ cát này có diện tích 60,3 hecta với giá khởi điểm 7,2 tỉ và Công ty T-S.Home trúng đấu giá với số tiền hơn 2.811 tỉ đồng theo biên bản đấu giá tài sản do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang xác lập ngày 26/3/2021.
Đáng nói, số tiền đặt cọc của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home đã nộp khi tham gia đấu giá chỉ hơn 1 tỉ đồng. Số tiền này đã không được trả lại, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh là 330 triệu đồng, số tiền còn lại nộp ngân sách nhà nước gần 760 triệu đồng. Nhưng hệ luỵ của việc này là sẽ phải mất thời gian để đấu giá lại, chưa kể khi đấu giá lại thì giá mới là bao nhiêu? Nếu cao hơn thì không sao, nhưng nếu thấp hơn sẽ gây nhiều thông tin không tốt trong dư luận.
Do đó, Luật sư Vân cho rằng, việc nâng mức giá tham gia tối thiểu của các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá nên lớn hơn từ 30% - 50% hoặc bằng giá trị tài sản đấu giá thì cũng là hợp lý để phòng, trừ hệ luỵ.
>>Ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá
… và tăng chế tài xử phạt…
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao, cho rằng: việc nâng mức giá tham gia tối thiểu của các tổ chức, cá nhân khi tham gia đấu giá nên bằng giá trị tài sản đấu giá thì cũng là hợp lý. Bởi, đây là bước đầu tiên các cơ quan chức năng có thể xác định được một phần về năng lực tài chính của các tổ chức cá nhân khi tham gia đấu giá, thay vì luật hiện hành không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.
Mặt khác, quy định này nếu được áp dụng cũng sẽ góp phần vào việc hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay "đấu giá hộ" do không đủ nguồn lực tài chính; hạn chế quân xanh, quân đỏ, thổi giá, trong đấu giá.
“Chưa kể, trong thực tế hiện nay, nhiều trường hợp “bỏ cọc” xảy ra nhưng không dễ thu tiền cọc, thậm chí đơn vị tham gia đấu giá, trúng đấu giá sẵn sàng đệ đơn “mặc cả” phương án nộp tiền theo đợt mà không có trong quy định, hoặc khởi kiện, khiếu nại… khiến các cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian để giải quyết", Luật sư Nguyên lưu ý.
Đơn cử, theo Luật sư Nguyên, vụ trúng đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với số tiền 37.346 tỷ đồng, diện tích hơn 30.014m2 (tính ra giá bình quân hơn 2,4 tỷ đồng/m2). Ban đầu là 2 doanh nghiệp nộp đơn bỏ cọc, 2 doanh nghiệp còn lại sau đó cũng nộp đơn nhưng xin trình bày hoàn cảnh và chậm nộp... Tuy nhiên, ngay cả lúc cơ quan thuế quyết định cưỡng chế thì ngay trong tài khoản ngân hàng của cả 2 công ty đều không có tiền.
Đáng nói, 2 công ty còn lại không nộp đơn bỏ cọc, nhưng lại nộp đơn trình bày xin trả dàn trải song cũng không nộp vào ngân sách Nhà nước đồng nào. Mặc dù trước đó, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức đã ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản 2 công ty là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega do quá hạn đóng tiền trúng đấu giá 2 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng cũng không mang lại kết quả gì.
“Đây chính là bài học và đã đến lúc phải sửa đổi lại luật để phù hợp với thực tiễn. Việc tăng tỉ lệ tham gia tối thiểu, tăng chế tài xử phạt, thậm chí có thể hình sự hoá (nếu có dấu hiệu thao túng), để “siết” các vấn đề này nhằm phòng, trừ hệ luỵ về sau là điều cần làm ngay", Luật sư Nguyên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
17:15, 28/11/2023
04:00, 28/11/2023
11:12, 23/11/2023
10:00, 14/11/2023
03:30, 08/11/2023