Với định hướng “Lấy người dân làm trung tâm”, rất nhiều nền tảng số “Make in Vietnam” đã giúp người dân được hưởng lợi trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội như y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp…
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đồng hành cùng chương trình “Giải pháp số” – được phát sóng trên kênh VTC1 vào khoảng 13h00 – 13h15 thứ 7 hàng tuần, phát lại trên Kênh VTC1 vào khoảng 16h45 – 17h00 Chủ nhật hàng tuần với thời lượng khoảng 15 phút/số.
Chương trình được thực hiện với mong muốn tạo “đòn bẩy” chuyển đổi nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của các Nền tảng công nghệ. Khuyến khích và hỗ trợ phổ cập tới người dân đa dạng các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.
>> Ngành dầu khí “lột xác” nhờ công nghệ số
Với các nền tảng số “Make in Vietnam”, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không cần phải đầu tư hệ thống công nghệ thông tin riêng và đội ngũ chuyên gia, quản trị mạng của riêng mình, mà vẫn tận dụng được những thành tựu công nghệ mới nhất. Như thế sẽ chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở trung ương chủ trì còn chậm, cần quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nền tảng số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nền tảng số quy mô quốc gia.
Khoảng 4 năm gần đây, ngày càng xuất hiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ “Make in Vietnam” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Thị trường 100 triệu dân là cơ hội khá thuận lợi cho sự phát triển của các nền tảng số “Make in Vietnam” do người Việt làm chủ, phát triển trên thị trường Việt.
Tỷ lệ giá trị “Make in Vietnam” trong doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đã tăng đáng kể, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông: Năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Khoảng 60% số doanh nghiệp làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Có thể thấy, các nền tảng số “Make in Vietnam” đã góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột gồm: Chính phủ số/chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.
Có thể bạn quan tâm