Sau vụ binh biến của Wagner, câu hỏi đặt ra là Điện Kremlin sẽ làm gì để lấp đầy các khoảng trống của tập đoàn đánh thuê tại Trung Đông và Bắc Phi.
Có thể nói rằng, Nga đã đạt được nhiều lợi ích khi hợp tác với tập đoàn Wagner, một trong số đó là mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới. Điển hình nhất là Syria – nơi được coi là “chỗ đứng” vững chắc của Nga ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Wagner đã bắt đầu hoạt động ở Syria vào năm 2015 và vẫn ở đó cho đến ngày nay để bảo vệ các mỏ dầu và mỏ phốt phát của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
>>Châu Âu thêm nỗi lo trước sự tan rã của Wagner
Thế nhưng, sau vụ binh biến gây nhiều tranh cãi vừa qua của Wagner, giới quan sát đang chia rẽ về việc ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông - đặc biệt là Syria - sẽ được duy trì hay giảm sút.
Nhiều khả năng Moscow vẫn sẽ duy trì tầm ảnh hưởng tại Syria bất kể vụ binh biến của Wagner gây chú ý vừa qua. Có nhiều bằng chứng cho thấy Wagner đã không thực sự muốn “làm phản” Moscow với vụ nổi loạn vừa qua.
Ông Waiel Olwan, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Jusoor ở Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng vào ngày 23/6 - vài giờ sau khi cuộc binh biến của Wagner bắt đầu – hàng loạt thành viên người Nga của Wagner đã bị bắt giữ ở Deir Ezzor, Damascus và Suwayda. Nhưng điều kì lạ là họ đã sớm được thả, cho thấy Nga đã nhanh chóng dàn xếp được với Wagner một thỏa thuận hòa bình. Sau đó, ngày 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin đã đến Damascus trong chuyến thăm đột xuất, được cho để làm việc với chính phủ Syria về các chiến binh Wagner.
Trên thực địa ở Syria, các thông tin đều cho rằng không có dấu hiệu rõ ràng nào về một cuộc nổi dậy trong hoặc gần các căn cứ của Nga. Do đó, các chuyên gia tin rằng hoạt động của Wagner vẫn sẽ tiếp tục, có thể dưới một cái tên khác hoặc dưới quyền lãnh đạo khác từ chính phủ Nga.
Ông Denis Mirgorod, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, nói rằng mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận rõ ràng về tương lai của Wagner, nhưng tập đoàn này có thể sẽ không thể bị Nga nhanh chóng xóa bỏ khỏi các điểm nóng, bao gồm Syria, Libya, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Mali.
Điều này dễ hiểu bởi Wagner đã xây dựng mình trở thành một thực thể nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ an ninh ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
“Cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự ngắn hạn ở Nga không ảnh hưởng đến các hoạt động của Wagner. Tập đoàn này có thể tiếp tục tồn tại dưới một vỏ bọc khác”, ông Mirgorod nói với Foreign Policy.
Ông Anas El Gomati, Giám đốc Viện Sadeq ở Lybia, cho biết Wagner có thể tồn tại mà không cần Prigozhin. “Wagner không được cấu trúc giống như một kim tự tháp với sự phụ thuộc vào ban lãnh đạo ở trên cùng. Đó là một mạng lưới phẳng, tự trị gồm các chủ thể nhà nước và phi nhà nước cùng hoạt động ở Libya. Wagner có thể tồn tại mà không cần Prigozhin”, ông Gomati cho biết.
Trên thực tế, Wagner vẫn phụ thuộc rất lớn vào các nguồn lực từ chính phủ Nga, đặc biệt là vũ khí hoặc thông tin tình báo. Do đó, kể cả không có ông trùm Prigozhin, Moscow vẫn là “nắm đằng chuôi” trong hoạt động của các chi nhánh khác của Wagner trên khắp thế giới.
“Về mặt lý thuyết, nếu ban lãnh đạo cấp cao hiện tại của Wagner không thể hiện sự trung thành và không sẵn sàng làm việc lâu dài cho Nga, thì họ sẽ bị thay thế bởi những người khác,” ông Mirgorod nói.
Dù vậy, chắc chắn những nỗ lực kiểm soát Wagner hậu binh biến của Moscow sẽ không dễ dàng, nếu không muốn nói là sẽ tác động tiêu cực tới ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và Bắc Phi.
Tập đoàn Wagner dưới sự lãnh đạo của Prigozhin vốn dĩ là một thực thể độc lập, gắn kết với Moscow nhờ các lợi ích chung. Điều này đã giúp Moscow giảm bớt gánh nặng trong duy trì và mở rộng ảnh hưởng tại Syria và châu Phi, trong lúc Nga đang huy động các nguồn lực vào xung đột với Ukraine.
Mất đi Wagner, trước hết hình ảnh của Nga sẽ phần nào suy yếu tại khu vực. Ông Hussein Ibish, học giả tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh ở Washington, phân tích, nỗ lực nổi dậy của Wagner sẽ hé lộ những vết nứt trong nội bộ Nga, qua đó góp phần tạo ra nghi ngờ về quyền lực của Moscow.
>>Vì sao Wagner nổi loạn không có lợi cho Mỹ?
“Các chính phủ Trung Đông và các chủ thể khác trong khu vực nhất định coi đây là một dấu hiệu khác cho thấy Nga đã được đánh giá quá cao, phần lớn là do thành công tương đối của nước này ở Syria”, ông Ibish nhấn mạnh.
Thậm chí, nhận thức về việc Nga suy yếu có thể sẽ thúc đẩy các chính phủ Trung Đông và Bắc Phi quan tâm nhiều hơn đến Trung Quốc với tư cách là một chủ thể toàn cầu trong khu vực thay thế cho Hoa Kỳ. Hay quân đội Nga sẽ không thể tự do hành động như Wagner - một nhóm lính đánh thuê không ràng buộc bởi các vấn đề ngoại giao và chính trị.
Có thể bạn quan tâm