Nga có dễ dàng giảm hoạt động quân sự tại Ukraine?

CẨM ANH 01/04/2022 04:41

Hiện nay, ngày càng nhiều ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ về việc Nga sẽ ngừng giao tranh tại Ukraine.

>>Những thế lực quyết định đến hòa đàm Nga - Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga cho biết rằng các điều kiện hiện nay chưa đủ để ngừng bắn ở Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ "giảm các hoạt động quân sự" quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv ở miền bắc Ukraine để dành ưu tiên cho nhiệm vụ "giải phóng Donbass" ở miền đông. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cũng tuyên bố quyết định giảm quy mô tác chiến quanh Kiev một phần do quá trình đàm phán với Ukraine đã "bước vào giai đoạn thực tế".

Mặt khác, Nga mong muốn "tăng cường tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện để đàm phán tiếp tục phát triển", nên quyết định giảm giao tranh này được coi là một "cử chỉ thiện chí" của Moskva.

Tuy nhiên, mới đây, trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Italy Draghi, Tổng thống Nga Putin cho biết rằng các điều kiện hiện nay chưa chín muồi để ngừng bắn ở Ukraine. "Tôi hỏi ông ấy khi nào ngừng bắn và liệu có lệnh ngừng bắn nào đã được lên kế hoạch chưa. Điều quan trọng nhất bây giờ là chứng minh mong muốn tồn tại hòa bình bằng cách thực hiện ngay lệnh ngừng bắn ngắn hạn. Ông Putin nói chưa đủ điều kiện ngừng bắn", Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết tại cuộc họp báo ở Rome.

Ngoài ra, ông Putin xác nhận các điều kiện chưa đủ để tổ chức gặp trực tiếp giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Có thể thấy, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ thực sự giảm hoạt động quân sự tại Ukraine. Thậm chí, Ukraine cũng đã hoài nghi trước lời hứa của Nga trong các cuộc đàm phán nhằm thu nhỏ các hoạt động quân sự xung quanh thủ đô Kyiv và một thành phố lớn khác là Chernihiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết không có lý do gì để tin vào tuyên bố của Nga rằng họ sẽ giảm hoạt động quân sự gần Kyiv cũng như ở thành phố Chernihiv, dựa trên những gì đang diễn ra trên thực địa. “Đúng vậy, chúng tôi có thể gọi những tín hiệu mà chúng tôi nghe thấy tại cuộc đàm phán là tích cực. Nhưng những tín hiệu đó không làm giảm những tiếng nổ của đạn pháo của Nga gây ra”, ông Zelenskyy nói.

Nhiều ý kiến đánh giá, thông báo "giảm quy mô hoạt động" là một chiến thuật trì hoãn của lực lượng Nga, trong lúc tìm cách tái triển khai các đơn vị tác chiến tới khu vực Donbas và giành thêm lợi thế ở miền đông Ukraine trước khi đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

"Trên thực tế, quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong nỗ lực đánh chiếm Kyiv và các thành phố khác. Điện Kremlin dường như cũng đã hạ thấp mục tiêu của mình khi nói rằng “mục tiêu chính” của họ là giành quyền kiểm soát khu vực Donbas. Chính vì vậy, việc giảm quy mô hoạt động là cơ hội để Nga tổ chức lại lực lượng và quay lại tấn công mạnh mẽ hơn", Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại viện nghiên cứu CNA ở Washington, Mỹ phân tích.

>>Nga "phủ bóng" Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc

Xác tàu sân bay bọc thép của Nga (APC) và các phương tiện quân sự trên đường phố gần chiến tuyến Kyiv

Các phương tiện quân sự của Nga bị công phá trên đường phố gần Kyiv

Bên cạnh đó, tuyên bố giảm quy mô hoạt động ở gần Kiev có khả năng sẽ tạo điều kiện cho Nga tập trung lực lượng Nga dồn sức cho mục tiêu hàng đầu hiện nay là giành quyền kiểm soát toàn bộ hai tỉnh Luhansk và Donetsk thuộc vùng Donbass ở miền đông Ukraine, nối thông hành lang trên bộ từ biên giới Nga đến bán đảo Crimea.

Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng được Nga hậu thuẫn cũng xác nhận các hoạt động tấn công ở khu vực này đang được tăng cường. "Chúng tôi nhận thức rõ rằng càng mất nhiều thời gian để giải phóng lãnh thổ của mình, những khu vực hiện nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, thì càng có nhiều nạn nhân và mức độ tàn phá càng nghiêm trọng", ông Pushilin nói.

Hiện tại, Mỹ và các quốc gia phương Tây đang phản ứng thận trọng với tuyên bố "giảm hoạt động" của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông sẽ chờ xem Điện Kremlin có dùng hành động để chứng minh cho tuyên bố hay không.

Thực tế cho thấy, sau 5 tuần giao tranh gần như liên tục ở phía tây bắc thủ đô Ukraine đã làm suy kiệt sức mạnh chiến đấu của Nga. Phil Osborn, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Anh tin rằng mặc dù cả hai bên đều có lợi khi giảm hoạt động giao tranh, nhưng thực tế Nga đang có nhiều lợi ích hơn cả. Theo ông Osborn, để việc điều này không chỉ mang lại lợi ích đáng kể cho Nga, phương Tây phải tối đa hóa và nhanh chóng tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Có thể bạn quan tâm

  • Những thế lực quyết định đến hòa đàm Nga - Ukraine

    Những thế lực quyết định đến hòa đàm Nga - Ukraine

    05:32, 31/03/2022

  • Nga đồng ý giảm giao tranh tại Ukraine sau đàm phán

    Nga đồng ý giảm giao tranh tại Ukraine sau đàm phán

    02:00, 30/03/2022

  • Mỹ có dễ dàng thúc giục Trung Quốc

    Mỹ có dễ dàng thúc giục Trung Quốc "chọn phe" trong cuộc chiến Nga - Ukraine?

    15:33, 29/03/2022

  • Chiến sự Nga - Ukraine và sự cáo chung của toàn cầu hóa

    Chiến sự Nga - Ukraine và sự cáo chung của toàn cầu hóa

    05:15, 29/03/2022

  • Bế tắc đàm phán, kết cục nào cho chiến sự Nga-Ukraine?

    Bế tắc đàm phán, kết cục nào cho chiến sự Nga-Ukraine?

    04:58, 29/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nga có dễ dàng giảm hoạt động quân sự tại Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO