Với việc bổ nhiệm tướng tư lệnh nổi tiếng cứng rắn và chiến lược hỏa kích tần suất cao, Tổng thống Nga Putin muốn "giải quyết" Ukraine bằng vũ lực.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Mùa đông "đảo chiều" với nước Nga
Không còn ngã rẽ tối ưu nào với chiến sự Nga - Ukraine, không một ý tưởng đàm phán nào được đề xuất, không có một bên trung gian nào đủ tích cực để kéo các phe phái ngồi xuống giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp chính trị.
Mặc nhiên, Tổng thống Nga Putin nói “sẵn sàng đàm phán với các điều kiện chấp nhận được”. Nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky không chấp nhận điều kiện mà Kremlin đưa ra. Đây là bế tắc mà hai bên chưa có giải pháp tháo gỡ.
Một loạt các rắc rối về chủ quyền, lãnh thổ được Moscow dựng lên, ví dụ như tổ chức trưng cầu dân ý, sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga, ông Putin coi đây là thắng lợi cơ bản và cung cấp cho nó tính pháp lý “không thể lay chuyển”.
Rất khó để Kiev yêu cầu quân Nga rút khỏi 4 vùng lãnh thổ này, kể cả khi quân đội Nga thất thế ở Miền Đông cũng khó thuyết phục người Nga từ bỏ những gì họ hiến định.
Giáo sư Barry Posen, Chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận xét ngắn gọn “Đánh bom để chiến thắng” để nói về công thức chiến tranh hiện tại của quân đội Nga.
Hàng nghìn cuộc tấn công bằng hỏa lực nhằm vào hệ thống điện Ukraine từ tháng 10/2022. Các cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine đặc biệt hiệu quả, biến mùa đông thành một cuộc đấu tranh tàn khốc để sinh tồn đối với thường dân.
Sức tàn phá bằng hỏa lực lớn hơn rất nhiều những gì chúng ta tưởng. Các cuộc tấn công của Nga không chỉ gây thiếu hụt năng lượng cho mùa đông, mà còn làm gián đoạn hoạt động của các hệ thống quân sự hiện đại để phòng không, chỉ huy và kiểm soát, thu thập thông tin tình báo, vì các hệ thống này đều chạy bằng điện.
>> "Nước cờ độc” của phương Tây với dầu mỏ Nga
Quá trình khắc phục các hệ thống nói trên không dễ dàng như “bật công tắc”. Việc sử dụng nhiều hơn máy phát điện công suất lớn gây ra lỗ hổng bảo mật an ninh quân sự. Tín hiệu nhiệt do các máy phát điện tạo ra cung cấp dữ liệu khác mà tình báo Nga có thể sử dụng để tạo ra bản đồ chính xác hơn về cách bố trí các lực lượng Ukraine.
Tăng cường đánh bom, Nga đã khiến hầu bao chi phí chiến tranh của đối phương ngày càng eo hẹp, bởi nguồn lực viện trợ của đồng minh phương Tây phải đổ đồn cho hệ thống lưới điện hư hỏng mà lẽ ra phải là đạn dược, vũ khí tối tân cho chiến trường.
Bom cũng làm phá sản kế hoạch sử dụng năng lượng, từ công nghiệp quốc phòng, sản xuất dân sinh tới vận tải giữa hậu phương và tiền tuyến phải chuyển sang dùng năng lượng hóa thạch như dầu diesel, khí đốt, than. Dĩ nhiên, Kiev càng ngày càng đòi hỏi nhiều ở châu Âu và Mỹ.
Sách lược mới của Nga là không tổ chức các trận đánh trên mặt đất, không mở rộng khả năng chiếm đóng thêm lãnh thổ Ukraine. Thay vào đó, họ giữ chặt Donbass, củng cố lực lượng và gây thêm rủi ro cho đối phương - nếu muốn phản công tái chiếm.
Nga gây tiêu hao cho Ukraine bằng cách buộc chuyển hướng sử dụng nguồn lực - đáng lẽ phải dùng cho chiến tranh phản kích sang khắc phục sự cố về điện năng, dân sinh, gây thêm chi phí cho đồng minh Ukraine. Chiến lược này của Nga được hậu thuẫn bằng hỏa lực tầm xa, UAV!
Cuộc chiến đang rất ác liệt ở Donbass, ngay vào ngày đầu tiên của năm 2023, 89 binh sĩ Nga thiệt mạng do trúng tên lửa HIMARS. Câu hỏi đặt ra là: Ukraine có thể tấn công bao xa nữa nếu như Mỹ đồng ý cung cấp thêm vũ khí có tầm bắn xa hơn?
Điều đáng sợ hơn nữa là không một ai còn quan tâm thúc đẩy các cuộc gặp gỡ cấp thấp giữa đôi bên, tìm kiếm cơ hội thuyết phục Moscow và Kiev từ bỏ “chủ nghĩa tối đa hóa”.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine và cục diện toàn cầu 2023 (Bài 2)
04:30, 28/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và cục diện toàn cầu 2023 (Bài 3)
04:30, 29/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và cục diện thế giới 2023 (Bài cuối)
05:57, 30/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine tác động mạnh đến châu Á
16:16, 29/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Bên nào sẽ chiến thắng?
04:30, 22/12/2022
Chiến sự Nga - Ukraine: Tác động khó lường năm 2023
03:30, 20/12/2022