Mặc dù lệnh cấm vận dầu mỏ của EU sẽ giảm sản lượng xuất khẩu của Nga tới Châu Âu, nhưng có khả năng Nga sẽ chịu ít thiệt hại hơn so với kỳ vọng của EU.
>>Xung đột Nga - Ukraine đang định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu
Nga có thể đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu Nga bằng cách tìm kiếm những đối tác khác hoặc cắt giảm sản lượng để giữ giá cao. Những động thái này của Nga sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, trừ khi OPEC can thiệp.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê út, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê út. Châu Âu là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga.
Dữ liệu từ Eurostat cho thấy, dầu thô Nga chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU vào năm 2021. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy mức nhập khẩu này tương đương khoảng 2,4 triệu thùng mỗi ngày và 35% trong số đó được vận chuyển qua đường ống Druzhba.
Trước đó, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna thông báo trên Twitter rằng, nước này sẽ tìm kiếm những đối tác khác mua dầu của mình. Hiện nay, Moscow đã có hai khách hàng tiềm năng mua dầu thô của mình là Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia này đã mua dầu giảm giá của Nga, và các nhà chuyên gia cho rằng điều này có vẻ sẽ tiếp tục trong tương lai.
Trong quá khứ, Ấn Độ nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga, chỉ từ 2- 5% mỗi năm, nhưng trong những tháng gần đây, lượng mua của nước này đã tăng vọt. Quốc gia này đã mua 11 triệu thùng dầu của Nga vào tháng 3 và con số này đã tăng lên 27 triệu vào tháng 4 và 21 triệu vào tháng 5, theo dữ liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler. Con số đó hoàn toàn trái ngược với 12 triệu thùng mà họ mua từ Nga trong cả năm 2021.
>>EU cấm vận dầu mỏ, Nga sẽ chấm dứt chiến sự ở Ukraine?
Trong khi đó Trung Quốc đã trở thành nước mua dầu lớn nhất của Nga và lượng mua của nước này cũng đã tăng vọt. Từ tháng 3 đến tháng 5, họ đã mua 14,5 triệu thùng, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Kpler.
Mặc dù vậy, RBC’s Croft nhận định, vẫn có rủi ro cho Moscow khi EU nhắm mục tiêu vào các dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm; cũng như Mỹ chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp như với trường hợp của Iran.
Mặt khác, Nga cũng có thể cắt giảm sản lượng và xuất khẩu dầu thô để giảm bớt tác động. Phó chủ tịch Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga, ông Leonid Fedun cho biết nước này nên cắt giảm khoảng 30% sản lượng để đẩy giá lên cao hơn, chứ không nên giảm giá bán quá sâu như hiện nay.
Ông Edward Gardner, Chuyên gia kinh tế học tại Capital Economics đã đưa ra dự đoán sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm khoảng 20% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các đối thủ của Nga có thể can thiệp để giúp chế ngự giá. Financial Times trích dẫn các nguồn tin nói rằng Ả Rập Xê út chuẩn bị tăng sản lượng dầu thô nếu sản lượng dầu của Nga giảm đáng kể sau các lệnh trừng phạt của EU.
Hiện tại, việc EU cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga vẫn đang được bỏ ngỏ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người đang thúc đẩy chính sách trừng phạt này, đã hứa hẹn rằng khối sẽ thảo luận về cách “vá lỗ hổng” của lệnh trừng pahtj này càng sớm càng tốt.
"EC giờ đây có thể hoàn thiện lệnh cấm 90% nhập khẩu dầu Nga trước năm 2023. Đây là bước đi quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề với 10% dầu còn lại", bà Ursula von der Leyen nói.
Có thể bạn quan tâm