Trước và sau Tết nguyên đán, nhiều nhà băng đã công bố giảm lãi suất huy động, nhưng mới chỉ rục rịch kế hoạch giảm cho phía lãi vay.
Đầu tháng 2, Vietcombank đã tiên phong đưa lãi suất kì hạn ngắn 1-2 tháng về mức “đáy của đáy” ở 2,9%/năm. Biểu lãi suất tiền gửi của ngân hàng này ở các kì hạn theo đó 6-9 tháng còn 3,8%/năm; kỳ hạn dài 24-60 tháng giảm về 5,3%/năm… giảm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Như vậy, với lần điều chỉnh trên, Vietcombank đã kéo mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng này về mức thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietinbank, Agribank, BIDV. Các ngân hàng thương mại nhà nước khác hiện vẫn niêm yết mức lãi suất tiền gửi từ 12-36 tháng ở 5,6%/năm. Vietcombank cũng là ngân hàng đã có tới 5 đợt giảm lãi suất trong năm 2020.
Quyết định điều chỉnh lãi suất đầu vào của Vietcombank có thể xem như cú tăng lực cho các động thái giảm lãi suất huy động mà nhiều nhà băng đã thực hiện từ đầu năm 2021 đến nay, thành đợt sóng thực sự.
Ghi nhận tại tháng 2/2021, lãi suất của Techcombank dao động khoảng 2.25-5%/năm tùy các kì hạn, giảm nhẹ so với biểu lãi suất niêm yết trong tháng 1. Cụ thể, lãi suất tiền gửi thấp nhất đối với khách hàng thường dưới 50 tuổi tại Techcombank chỉ còn 2,35%/năm kỳ hạn một tháng; từ 6 đến 8 tháng là 3,8%/năm; lãi suất cao nhất khi gửi kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng cũng chỉ 4,6%/năm. Ngoài ra, mức lãi suất huy động cao nhất ngân hàng này đang áp dụng là 5,5%/năm cho khách hàng từ 13 đến 36 tháng khi khách hàng gửi trên 50 tuổi gửi từ ba tỷ đồng trở lên.
VPBank cũng giảm lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn. Hiện, tiền gửi các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng tại VPBank được áp dụng lãi suất khoảng 3,25 đến 3,45%/năm tùy giá trị tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn tiền gửi 12 tháng hiện ở mức 4,9 đến 5,3%/năm. Mức lãi suất tối đa tại VPBank hiện là 5,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng giảm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm…
Trong đợt giảm lãi suất huy động đến hiện tại, trừ Vietcombank là ngân hàng TMCP có vốn nhà nước chi phối thuộc top Big Four, thành phần của cuộc đua đều đến từ các ngân hàng tư nhân. Điều này khá khác với những đợt giảm lãi suất tiền gửi trước đây, chẳng hạn như năm 2020, khi Vietcombank, cùng BIDV, VietinBank thường sẽ là các ngân hàng đồng loạt “bật đèn”, và đó là tín hiệu cho một đợt giảm lãi trên diện rộng của toàn ngành. Điều này dẫn đến 2 giả thiết: Rõ ràng là các ngân hàng Big Four còn lại vẫn đang chưa rộng dư địa để sẵn sàng cho việc giảm lãi và mặt khác lại muốn cân đối mục tiêu thúc đẩy vốn vay tăng trưởng mạnh trong năm - Họ, còn bị hạn chế bởi nhu cầu tăng vốn đã "buộc chân" ít nhiều trong hoạt động; Hoặc, đợt giảm lãi suất huy động này chưa hoàn toàn cho thấy một tín hiệu “đi trước” để hưởng ứng và hiện thực kì vọng cơ quan quản lý sẽ sớm, trong nay mai, giảm tiếp lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các nhà băng cung ứng vốn rẻ ra trường.
Tuy nhiên, hầu hết các công ty quan sát và phân tích thị trường vẫn dự báo đợt điều chỉnh giảm lãi suất là một tất yếu, khi thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng đã liên tiếp hút hàng chục nghìn tỷ đồng về qua OMO. Theo CTCK VCBS, năm 2021, lãi suất huy động được dự báo giảm 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2020 và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Lãi suất cho vay có thể giảm 30-50 điểm cơ bản do độ trễ giữa giảm hai loại lãi suất sẽ mất ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn.
Chứng khoán SSI cũng giữ quan điểm giảm lãi suất sẽ là một trong những yếu tố cần được ưu tiên xem xét, thực hiện của cơ quan điều hành trong quý I/2021.
Từ phản ánh doanh nghiệp và thực tế ở các nhà băng, có thể thấy sóng lãi vay hiện nay chỉ mới bắt đầu ở phía huy động. Có một số ít nhà băng “nhá hàng”, tung các gói cho vay lãi suất có tính ưu đãi hơn và mới như: Vietcombank tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi từ 5,7%, triển khai ngay đầu năm 2021. HDBank giảm lãi vay trung dài hạn theo chương trình "Tân Sửu an khang, lãi vàng gắn kết", lãi suất từ 6%/năm, số tiền vay lên đến 05 tỷ đồng, triển khai từ nay đến hết 31/06/2021, hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị, dự án nhằm thúc đẩy mở rộng hoạt động kinh doanh và khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, xe ô tô và tiêu dùng. Vietinbank có gói “Chung tay cùng doanh nghiệp” – cho vay SME ngắn hạn với lãi suất 6,8%; tăng tổng giá trị gói cho vay trung dài hạn lên 50.000 tỷ đồng, thời hạn vay 36 tháng nhưng không công bố mức lãi vay ưu đãi cụ thể. 6-5%-6,8% cũng là mức lãi Vietbank vừa công bố cho vay trong chương trình hỗ trợ khách hàng vượt dịch 2021; và từ 6,8% trở lên là mức lãi vay phổ biến, áp dụng cho nhiều đối tượng mà một số nhà băng đã triển khai ưu đãi ở 2020 đến nay.
Trao đổi với DĐDN, một nhà băng tư nhân cho biết sắp tới, sẽ công bố chương trình “giảm sốc” với lãi vay ngắn hạn chỉ từ khoảng 4%, không phân biệt đối tượng vay hay bắt buộc xác định, chứng minh ảnh hưởng bởi COVID-19. Nếu có, đây chắc chắn sẽ là mức lãi suất cho vay ưu đãi hấp dẫn nhất trên thị trường. Song lưu ý đó mới chỉ là câu chuyện của kế hoạch dự kiến, “sắp tới”. Doanh nghiệp cũng đang rất hy vọng cùng với sóng giảm lãi huy động, các ngân hàng sẽ sớm có đợt giảm hai chiều gồm lãi suất cho vay, và giảm trên diện rộng, cho nhiều đối tượng, tránh lặp lại kịch bản "ghim" lãi đầu vào thấp, giữ phía đầu ra cao, tạo biên độ chênh lệch cao giúp nhà băng nâng tỷ lệ biên lãi ròng, thu lợi nhuận lớn ở năm qua.
Có thể bạn quan tâm