Việc các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc khủng hoảng, mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai của họ.
Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần đánh giá lại mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, cũng như vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc giúp đỡ khu vực doanh nghiệp phục hồi trong trạng thái bình thường mới, sau đại dịch.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng này là một cuộc khủng hoảng kép, khác hẳn với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã xảy ra trước đây. Khi COVID-19 bắt đầu là một đại dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng, dẫn đến các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, đã kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều đồng thuận rằng, cuộc khủng hoảng lần này có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, do nó tác động đến cả phía cung và cầu của nền kinh tế. Chính vì vậy, vai trò của ngân hàng cũng có sự thay đổi, trở thành một phần của giải pháp giúp vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Trong cơ cấu nguồn vốn bên ngoài của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), thì nợ vay ngân hàng chiếm tỷ tọng tương đối. Như vậy, vai trò cung cấp vốn cho các doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng cần phải được đề cao hơn nữa. Doanh thu của khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khiến họ phải tìm kiếm các nguồn vốn bên ngoài, trong đó có vốn vay để tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, đại dịch cũng khiến cho các khoản đầu tư khác trở nên rủi ro hơn, nhà đầu tư sẽ tìm đến các khoản đầu tư an toàn như tiết kiệm để bảo toàn vốn.
Đến nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thành vai trò của mình trong việc thúc đẩy lưu thống vốn. Tuy nhiên, một số yếu tố khách quan của thị trường đã làm cho dòng chảy vốn khó khăn hơn như: Đầu vào nguyên nhiên vật liệu khan hiếm do giãn cách không lưu thông được; Sản xuất bị đình trệ, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn kho tăng; Công nợ nhiều, nhà máy, xưởng sản xuất cầm chừng, vừa làm vừa chống dịch; Các công trường, công trình ngưng hoạt động, chi phí không giảm mà còn tăng cao,...
Do vậy, giữa doanh nghiệp và ngân hàng càng phải thấu hiểu, chia sẻ và cần đứng ở vị trí của nhau, nhìn nhận đánh giá trong mối quan hệ gữa hai bên để cùng vượt khó, nếu không thì cả hai sẽ đều bị “ngã”.
Ngân hàng không thể khoanh tay đứng nhìn
Về chính sách ưu đãi giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01/2020 và Thông tư 03/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, đã cho thấy sự chủ động nắm bắt tình hình và ban hành chính sách chỉ đạo triển khai kịp thời, quyết liệt của NHNN tới các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên, một trong những điểm bất thường của đại dịch hiện tại là tốc độ và sức lây lan nhanh chóng. Vì thế, các chính sách phải thay đổi liên tục để phù hợp hơn với tình hình mới. Đây cũng là một thách thức rất lớn mà đại dịch gây ra cho các nhà làm chính sách. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, NHNN có thể sẽ ban hành các thông tư mới để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Về tình hình thực hiện các thông tư của NHNN, đứng ở góc độ từng ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ có hướng dẫn cụ thể để xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhưng vẫn phải bám sát nội dung Thông tư của NHNN để thực hiện đúng. Việc chấp nhận giảm lợi nhuận cũng sẽ căn cứ vào thực lực của từng ngân hàng.
Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong năm 2020 NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn, với tổng mức giảm từ 1,5 – 2%/năm lãi suất điều hành. Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành này tạo điều kiện cho các NHTM tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Theo đó các NHTM điều chỉnh lãi suất đầu vào/ đầu ra phù hợp với thị trường và tình hình hoạt động của các NHTM. Việc hạ lãi suất cho vay mà đặc biệt trong lúc này cũng là biện pháp điều hành linh hoạt phù hợp, nhằm mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Các NHTM cần đánh giá địa bàn khu vực, ngành nghề, đối tượng cụ thể để có định hướng tín dụng phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng NHTM, trên cơ sở đó ban hành các chính sách/sản phẩm tín dụng, cụ thể hóa các tiêu chí điều kiện tín dụng để tiếp cận tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người vay.
Hơn ai hết, các ngân hàng hiểu rằng, tác động của đại dịch đến lợi nhuận và hoạt động của họ thường có độ trễ. Khi giãn cách xã hội, hầu như các doanh nghiệp, nhà xưởng đều phải đóng cửa, số mở cửa thì hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, do đặc thù là ngành dịch vụ và là hoạt động thiết yếu, nên các ngân hàng vẫn tổ chức hoạt động được khi xã hội giãn cách.
Đáng chú ý, nếu thời gian giãn cách kéo dài, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp kiệt quệ, thì lúc này, lợi nhuận của ngân hàng mới thực sự bị ảnh hưởng. Khi các doanh nghiệp không còn đủ khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng và trực tiếp làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Cho nên, việc các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp lúc này, không chỉ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc khủng hoảng, mà còn giúp chính các ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận trong tương lai của họ. Ngân hàng không nên khoanh tay đứng nhìn các doanh nghiệp lần lượt rời bỏ thị trường chỉ vì bảo toàn lợi nhuận ngay thời điểm này.
Mới đây, khối DNNVV đã có đề xuất với Chính phủ về việc chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải… Những đề xuất này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh cam go hiện tại và cần được triển khai sớm, để doanh nghiệp sớm có động lực phục hồi, cùng vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
16:38, 08/08/2021
05:45, 31/07/2021
11:55, 21/07/2021