Ngành Giáo dục thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ IV.
>>Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên: Nơi biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục tiêu: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án 1665, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự nỗ lực chung tay của các bộ, ngành, địa phương và của các cơ sở đào tạo, Đề án 1665 đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Bộ Giáo dục cho biết, đến nay tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đa xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa.
Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh cho rằng: “Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để HSSV xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội”.
"Để phong trào khởi nghiệp chuyển phát triển cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh về khởi nghiệp. Chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Cần đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.
Thủ tướng khẳng định sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, đến các bạn học sinh sinh viên. Các bạn không chỉ là người chủ tương lai của đất nước, là tiềm năng, là nguồn lực, động lực đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn Ngành giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa các kết quả của ngày hội khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo nên khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.”
Từ góc độ chuyên môn, chức năng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo, Ngành sẽ thực hiện thật tốt việc trang bị kiến thức, phát triển năng lực, rèn luyện các phẩm chất, kỹ năng cho học sinh từ phổ thông tới đại học để học sinh có được nền tảng căn bản cho khởi nghiệp, sẽ tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các bộ ngành, các doanh nghiệp, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh sinh viên, ông Kim Sơn khẳng định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh thành phố, các cơ quan truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan đối với ngành Giáo dục nói chung và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, ông Kim Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 33% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2021, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước. Trong năm 2018, 2019 đã tổ chức tập huấn được 03 chuyên đề về hỗ trợ khởi nghiệp cho các cán bộ này bao gồm: Công dân tích cực; đổi mới sáng tạo; Kỹ năng vận hành không gian khởi nghiệp dành cho sinh viên. Tổ chức tập huấn cho 200 cán bộ, giáo viên của 62 sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu về phương pháp tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.”
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với hơn 50 doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai Đề án 1665 nhằm hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác khởi nghiệp, hướng dẫn quy trình, cách thức xây dựng Đề án, hướng dẫn kêu gọi nguồn vốn đầu tư, huy động nguồn lực hỗ trợ triển khai Đề án; Đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh và kỹ năng công nghệ kinh doanh trên nền tảng số cho học sinh, hình thành cho học sinh những kỹ năng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ…. Bà Ngô Thị Minh chia sẻ
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chung tay cùng với các Bộ, ban ngành tại Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư và các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên có điều kiện được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân, tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. Đối với các trường đại học cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với các hoạt động thương mại hóa và khởi nghiệp để chúng ta có thể sớm tạo ra những đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp và là cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Đồng thời sớm nghiên cứu và hình thành các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trong các nhà trường đưới dạng các quỹ quyên tặng, Quỹ cộng đồng, bà Ngô Thị Minh khẳng định.
Có thể bạn quan tâm